Gần 7 triệu tỷ đồng từ dân cư được gửi trong ngân hàng

Bảo Ngọc

Tính đến cuối tháng 4/2024, số tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng.

Các TCTD kỳ vọng, lượng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng 3,3% trong quý III/2024
Các TCTD kỳ vọng, lượng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng 3,3% trong quý III/2024

Số liệu thống kê tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các TCTD trong tháng 4/2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, cho thấy lượng tiền gửi của cá nhân và tổ chức tăng mạnh.

Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4/2024 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các TCTD đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2024. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 81 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn giảm hơn 133 nghìn tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).

Tiền gửi của dân cư tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới. Trái ngược với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi của dân cư lũy kế 4 tháng đầu năm tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng (2,8%).

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các TCTD tăng 1,50% so với cuối năm 2023. Theo khảo sát của Vụ Dự báo và Thống kê (NHNN), các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024.

Hiện các ngân hàng “rục rịch” tăng lãi suất huy động, có một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất lên đến 6%-6,1% một năm. Động thái này có thể hấp dẫn dòng tiền từ dân cư đổ vào ngân hàng, duy trì thanh khoản hệ thống ở mức dồi dào.

Ở đầu ra, tính đến thời điểm cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế hơn 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 2%, đến cuối tháng 5/2024 mới chỉ đạt 2,4%, do sức cầu vốn còn yếu. Tuy nhiên, sau một tháng bứt tốc, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 6% so với cuối 2023. Như vậy, tín dụng ước tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới “bẫy thanh khoản” cho các TCTD, buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn.

Theo ông Đoàn Minh Tuấn – Trưởng phòng Nghiên cứu và Đầu tư (Công ty cổ phần FIDT), tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong 2 quý còn lại của năm 2024, sau diễn biến “ì ạch” trong nửa đầu năm, dẫn dắt bởi nỗ lực thức đẩy đầu tư công về đích; tín dụng bán lẻ dần hồi phục, đặc biệt phân khúc cho vay mua nhà. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14%-15% trong 2024.