Tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh tại các ngân hàng quy mô lớn

Tuấn Thủy

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023, đặc biệt ở nhóm ngân hàng quy mô lớn, chuyên cho vay doanh nghiệp.

CASA chủ yếu được tạo ra từ dòng tiền vay

Theo Báo cáo sức khỏe ngành Ngân hàng quý IV/2023 của WiGroup, tỷ lệ CASA tăng mạnh trong quý cuối năm 2023, từ 19,31% lên mức 21,87%. CASA đã tăng mạnh trong 3 quý liên tục sau khi tạo đáy vào cuối quý I/2023.

Mặc dù tiền gửi tăng trưởng mạnh trong năm 2023, tốc độ tăng của CASA là rất đáng chú ý, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh trong những quý cuối năm không đến từ tiền nhàn rỗi không kỳ hạn của dân cư mà liên quan trực tiếp đến lượng tín dụng lớn được giải ngân trong thời gian đó.

Tỷ lệ CASA của các nhóm ngân hàng. Nguồn: WiGroup
Tỷ lệ CASA của các nhóm ngân hàng. Nguồn: WiGroup

Tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh nhất ở nhóm các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp, khi tăng trưởng từ mức 19,84% lên mức 24,98%. Nhóm các ngân hàng này tập trung cho vay cả hệ sinh thái của các doanh nghiệp.

Do đó, CASA được tạo ra từ dòng tiền vay có thể được dùng để kích hoạt dòng tiền giữa các công ty trong hệ sinh thái, các khoản vay được tập trung giải ngân cho các hoạt động của các tập đoàn lớn. Trong đó, sự thay đổi tỷ lệ CASA diễn ra rõ nhất ở các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).       

Đối với các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh đồng đều trong nhóm này. Mức cải thiện nhiều nhất là ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khi được chọn làm ngân hàng thanh toán cho các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.  

Ở nhóm các ngân hàng chuyên cho vay cá nhân, tỷ lệ CASA không có nhiều sự thay đổi mà chỉ diễn ra ở Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Với nhóm các ngân hàng khác, nhìn chung, tỷ lệ CASA không có nhiều biến động đối với các ngân hàng trong nhóm này mà chủ yếu tập trung ở Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBANK) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất năm 2023

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của các ngân hàng thương mại, tính đến cuối năm 2023, Techcombank tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất toàn ngành đạt xấp xỉ 40%. Tiếp theo là MB với tỷ lệ CASA đạt 39,6% và xếp thứ ba là Vietcombank với tỷ lệ xấp xỉ 34%, đều tăng nhẹ so với năm 2022.

Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất. 
Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất. 

Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng về tỷ lệ CASA là các ngân hàng Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), TPBank, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Trong đó, VPBank là nhà băng có sự tăng trưởng vượt trội nhất về CASA với mức tăng 7,7 điểm phần trăm - điểm sáng trong mảng huy động khi tăng 33% so với cuối năm 2022.

Mặc dù nằm trong top 4 về tỷ lệ CASA toàn ngành, MSB lại là ngân hàng có mức sụt giảm CASA cao nhất (giảm 4,8 điểm phần trăm). Theo giải trình của ngân hàng này, biến động lãi suất quý IV/2022 và trong năm 2023 đã dẫn tới xu hưởng giảm CASA của MSB và cả thị trường.

Những ngân hàng khác có tỷ lệ CASA giảm như Sacombank, PG Bank, Eximbank, VIB, OCB, SeABank, SHB, Saigonbank, Nam A Bank, NCB, Kienlongbank, BVBank.