Gần Tết, giá chung cư tiếp tục phi mã
Chênh lệch giá nhà ở vùng ven và trung tâm đang dần thu hẹp với tốc độ rất nhanh khiến người mua nhà ngày càng chật vật để tìm một căn hộ vừa túi tiền.
Giá tăng chóng mặt
Có kế hoạch sau khi nghỉ hưu sẽ chuyển ra sống cùng con gái tại Hà Nội, chị Hoàng Minh Tâm (56 tuổi, Hà Tĩnh) bắt đầu tìm mua căn hộ chung cư từ tháng 10/2023. Với điều kiện kinh tế khoảng 1 tỷ 600 triệu đồng, chị Tâm dự định tìm một căn hộ có diện tích nhỏ, hoặc căn hộ diện tích vừa phải ở ngoại thành Hà Nội.
Sau nhiều lần đi xem nhà, chị Tâm ấn tượng với căn hộ tại một chung cư gần cầu Nhật Tân (huyện Đông Anh) với diện tích 49,5m2, được rao bán giá 1,6 tỷ đồng. Vẫn còn nhiều băn khoăn nên quyết định chờ thêm thời gian tìm căn hộ khác có mức giá trên mét vuông hợp lý hơn. Song, một tháng sau, muốn quay lại mua căn hộ kia, chủ nhà đã tăng giá lên 1,8 tỷ đồng, vượt hạn mức mà chị Tâm đưa ra.
"Chỉ trong 1 tháng, căn hộ được rao giá cao hơn đến 200 triệu đồng, bị đẩy lên quá nhanh, tôi nghĩ khó lòng tìm được nhà trước Tết, hoặc phải tăng giá tiền căn hộ cần mua lên mới có thể mua được" - chị Tâm chia sẻ.
Thực tế, theo báo cáo mới đây của NetCredit - nền tảng thuộc Công ty công nghệ Enova International tại Mỹ vừa đưa ra, người mua nhà đang chật vật trước mức giá chung cư tại Hà Nội tăng chóng mặt trong khi giá vật liệu xây dựng giảm là một nghịch lý. Hà Nội lọt vào nhóm các thủ đô khó mua nhà ở nhất thế giới.
Khảo sát của nhiều đơn vị tư vấn cũng cho hay, giá nhà tại các khu vực trung tâm quá cao khiến xu hướng mua nhà vùng ven đang là lựa chọn của không ít người. Tuy nhiên, có một thực tế là chênh lệch giá nhà ở vùng ven và trung tâm đang dần thu hẹp với tốc độ rất nhanh.
Dù lãi suất cho vay mua nhà xuống chỉ bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm nhưng giá nhà tại nhiều dự án lại cao gấp rưỡi trong 1 năm qua. Còn nếu theo dõi 4 năm trở lại đây, theo Savills Việt Nam, giá chung cư đã tăng tới 77% và tăng 19 quý liên tiếp. Hiện gần như không thể mua được chung cư với giá 30 triệu/m2 tại Hà Nội.
Áp lực gia tăng nguồn cung
Theo Bộ Xây dựng, mỗi năm cả nước cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Song với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 300 nghìn đơn vị nhà ở.
Trong khi đó, một số đơn vị cũng cho biết khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tại một số dự án chung cư mới quanh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng khách đến xem nhà mẫu những ngày cuối tuần từ 150 - 200 lượt, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi lãi suất leo cao đỉnh điểm. Lượng giao dịch cũng tăng khoảng 20 - 30%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest, có tới 70% các dự án vướng mắc, ách tắc về pháp lý, khiến hầu như không có thêm nguồn cung mới. Chính vì vậy, giá nhà chung cư tại nhiều dự án đã tăng gần 80% trong 4 năm qua. Bên cạnh đó, một bộ phận đầu cơ, mua đi bán lại ở thị trường thứ cấp đã đẩy giá nhà cao bất thường khi đến tay người có nhu cầu ở thực.
Theo đó, nếu không sớm gỡ vướng các thủ tục pháp lý, cải thiện sớm nguồn cung thì áp lực giá nhà chung cư tại các đô thị lớn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Việc tìm căn hộ sẽ càng khó khăn đối với người có thu nhập hạn chế, gia đình trẻ, gia đình từ vùng nông thôn về thành phố không chỉ trong năm nay, mà sẽ còn kéo dài qua các năm 2025 - 2026.
Còn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần phải tính đến những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ vì đây là phân khúc ngay sát kề với nhà ở xã hội.
“Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới cũng không nên có quan niệm là nhà ở xã hội mà phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ với ưu đãi nhất định về thuế, tiếp cận đất đai, vốn,” ông Võ nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Võ, chính sách về nhà ở cần đi kèm với cải cách chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi mới tạo nên tổng thể giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, các doanh nghiệp nên đào sâu hơn nữa vào quá trình phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ.