Gặp khó sau đại dịch, doanh nghiệp Bạc Liêu chờ giải pháp của tỉnh
Để tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế và tạo nên sức bật mới sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, việc phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp (DN) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Nếu như năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu phần lớn nhờ vào việc thi công và hoàn thành các dự án điện gió, bổ sung nguồn lực lớn vào tổng vốn đầu tư, thì năm nay lĩnh vực này sẽ đóng góp không nhiều, vì hầu hết các dự án đã đóng điện vận hành thương mại, hoặc đang ở giai đoạn làm thủ tục để triển khai cho các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, việc huy động và bổ sung nguồn lực cho năm nay chủ yếu dựa vào sự phát triển của các DN và đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án kinh tế, thương mại và dịch vụ, du lịch.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, từ đầu năm đến nay, Bạc Liêu đã tập trung đẩy mạnh công tác mời gọi, thu hút đầu tư. Đồng thời, ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 với mục tiêu chung là: Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song đó là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các DN. Cũng như tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch. Thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính cho DN, nhà đầu tư yên tâm hoạt động, sản xuất - kinh doanh…
Tuy nhiên, qua 5 tháng đầu năm cho thấy, số dự án đăng ký đầu tư mới không nhiều và đến nay chỉ có 2 dự án có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đặc biệt, việc phát triển DN để bổ sung nguồn lực cho tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và góp thêm vốn cho tăng trưởng kinh tế còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm nay, Bạc Liêu có 160 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.030 tỷ đồng, giảm 5,9% về số DN và giảm 63,7% số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Điều đáng quan tâm chính là có hơn 100 DN rút khỏi thị trường, tăng 42% so với cùng kỳ. Trong đó có 80 DN đăng ký tạm ngừng, 28 DN chờ làm thủ tục giải thể và 15 DN đã giải thể.
Từ thực trạng trên cho thấy, việc có ngay các giải pháp tiếp sức, hỗ trợ DN cần được tập trung quyết liệt và khẩn trương hơn.
Và dự án bị chậm tiến độ
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án để bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng là một trong những giải pháp quan trọng của năm 2022. Thế nhưng, đến nay Bạc Liêu còn 20 dự án bị chậm tiến độ, trong đó có những dự án đã được giao đất, cấp phép đầu tư hơn 10 năm nhưng vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng. Với việc thi công dự án theo “tiến độ rùa” này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn tước đi cơ hội của các nhà đầu tư có năng lực khác.
Đơn cử như Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí Nguyễn Kim Bạc Liêu (Nguyễn Kim 2) đã được Nhà nước cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thuê tại Quyết định 710/QĐ-UBND từ năm 2016, thế nhưng từ ngày có Quyết định trúng đấu giá quyền sử dụng đất đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư.
Hay Dự án Hoa viên nghĩa trang Yên Bình của Công ty TNHH MTV Huỳnh Châu có Quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2019, nhưng đến nay nhà đầu tư không ký quỹ và chưa triển khai thực hiện bất kỳ hạng mục nào của dự án. Đồng thời, UBND TP. Bạc Liêu xác nhận nhà đầu tư chưa liên hệ với UBND thành phố để thực hiện các thủ tục có liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án. Hoặc Dự án đầu tư xây dựng Trường tiểu học tư thục iSchool Bạc Liêu của Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, thế nhưng qua gần 9 năm nhà đầu tư vẫn chưa có động tĩnh gì!
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, đối với những nhà đầu tư không thiện chí, không có năng lực tài chính và có dấu hiệu “xí đất” thì tỉnh cũng cần kiên quyết thu hồi và chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Qua điều tra thực tế cho thấy, các dự án triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai, ngoài việc thiếu tâm huyết, thiếu nguồn lực từ nhà đầu tư thì cũng có những dự án bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Như Dự án Khu văn hóa đa năng nhà Công tử Bạc Liêu bị chậm tiến độ với nguyên nhân chính là khu B bị vướng công tác GPMB nên nhà đầu tư không thể triển khai khu A do các khu khi xây dựng phải đảm bảo tính liên hoàn.
Với quyết tâm chia khó cùng tỉnh Bạc Liêu, nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu tập trung giải quyết đứt điểm công tác GPMB để nhà đầu tư triển khai trùng tu, xây dựng khu A (dự kiến vào dịp lễ 2/9) và sẽ nỗ lực hoàn thành đưa vào khai thác nhân dịp Tết Nguyên đán 2023. Đồng thời, triển khai khu B, góp phần cho phát triển du lịch của tỉnh.
Ngoài dự án này bị vướng công tác GPMB, còn nhiều dự án khác nữa như: Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở thương mại và chợ trung tâm huyện Phước Long; Dự án nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao và Dự án đầu tư Khu phức hợp năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm công nghệ cao (huyện Hòa Bình)…