Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, Bạc Liêu vẫn chưa thể đột phá

Theo Kim Trung/ Báo Bạc Liêu

Trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Bạc Liêu xếp thứ 55/63 tỉnh, thành trong cả nước. So với năm 2000, chỉ số PCI tuy tăng 9 bậc, nhưng Bạc Liêu vẫn xếp vào nhóm tương đối thấp và xếp thứ 12/13 tỉnh, thành của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đào tạo nghề nông nghiệp tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh
Đào tạo nghề nông nghiệp tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh

Chỉ số PCI nằm trong nhóm tương đối thấp

Nhìn lại bảng xếp hạng chỉ số PCI trong 3 năm trở lại đây cho thấy, Bạc Liêu vẫn không thoát khỏi nhóm tương đối thấp và chưa tạo được những đột phá nào trong việc tạo nên những “bước nhảy” trong cải thiện chỉ số PCI so với những năm trước đó.

Năm 2019, chỉ số PCI của tỉnh tăng 1,25 điểm, nhưng giảm 12 bậc và giảm 1 bậc nhóm điều hành so với năm 2018 (năm 2018 được 62,53 điểm, xếp thứ 39/63, xếp hạng điều hành ở nhóm 3 thuộc nhóm khá so với cả nước). Đặc biệt năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh giảm sâu và chạm đáy với 59,61 điểm, giảm 12 bậc và xếp thứ 63/63 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng năm 2021, chỉ số PCI được 61,25 điểm và xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố.

Nhìn lại và phân tích 10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng được các ngành, địa phương quan tâm, nhất là các ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ công trong việc cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần. Như chỉ số gia nhập thị trường, nếu như năm 2019 và 2020 chỉ số này liên tiếp tăng điểm thì đến năm 2021 lại giảm điểm từ 8,70 (năm 2020) xuống còn 7,19 điểm.

Trong khi đó, để thực hiện tốt chỉ số này, Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư đẩy mạnh triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng và tập trung thực hiện tốt trong việc hỗ trợ, trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân khi hồ sơ còn thiếu nội dung, chưa đúng quy định để doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ ngay từ lần nộp đầu tiên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra hoạt động của bộ phận một cửa; giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh công vụ; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm không đúng quy chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Từ sự giảm điểm của chỉ số này cho thấy, doanh nghiệp còn bị làm khó, còn chưa hài lòng và còn mất nhiều thời gian, cũng như làm tăng các chi phí trong việc gia nhập thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ số thành phần là chi phí và thời gian năm 2021 giảm điểm so với năm 2020 (7,89 điểm) và chỉ còn 6,68 điểm.

Cần ngay các giải pháp để cải thiện

Một chỉ số thành phần đáng được quan tâm nhất chính là chỉ số cạnh tranh bình đẳng và đây là năm thứ 4 chỉ số này liên tiếp bị giảm điểm, giảm thứ hạng (chỉ được 5,99 điểm). Trong khi đó, để nâng cao chỉ số này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Đồng thời, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục cấp tín dụng và các thủ tục cung ứng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn cũng như các dịch vụ của ngân hàng.

Cùng với đó là chỉ đạo quán triệt đến các sở, ban ngành và địa phương luôn tạo môi trường đầu tư thân thiện, lành mạnh, điều kiện bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận đất đai, tín dụng…; bình đẳng trong giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Một chỉ số thành phần khác cũng bị giảm điểm trong suốt 4 năm là chỉ số đào tạo lao động, dù Bạc Liêu không thiếu cơ sở đào tạo, thậm chí thừa với 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp (tư thục), 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bố trí trên địa bàn TP. Bạc Liêu là 10, huyện Vĩnh Lợi 2, còn lại mỗi huyện, thị xã 1 cơ sở… Vậy “điểm nghẽn” nằm ở đâu khi chỉ số thành phần này bị giảm điểm trong nhiều năm liền!?

Các chỉ số thành phần năm 2021 tuy bị giảm điểm, nhưng cũng có 5/5 chỉ số thành phần  tăng điểm như: tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Để nâng cao chỉ số PCI, từ năm 2018, Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2020 nằm trong tốp 20 địa phương tốt nhất cả nước và duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được.

Từ thực trạng trên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần tổ chức một hội nghị chuyên đề để phân tích các chỉ số thành phần và làm rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc nâng cao chỉ số PCI. Đồng thời, có ngay các giải pháp xử lý, nhằm cải thiện, nâng hạng chỉ số PCI và đây cũng là giải pháp quan trọng trong xây dựng hình ảnh về môi trường đầu tư.