Gặp khó tại vùng 1.130 điểm, VN-Index đánh rơi mọi nỗ lực trong tuần
Áp lực bán trong phiên cuối tuần (17/11) đã lấy đi gần hết nỗ lực phục hồi của tuần vừa qua, khiến VN-Index giảm mạnh về quanh khu vực 1.100 điểm.
Sau phiên đáo hạn phái sinh, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu giao dịch thận trọng trong phiên sáng ngày 17/11, nhưng vẫn duy trì được trên tham chiếu.
Lực mua vẫn xuất hiện đều, nhưng lại có xu hướng tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa. Nhóm vốn hóa lớn giao dịch phân hóa cùng lực cầu yếu khiến VN-Index liên tục suy yếu trước ngưỡng cản 1.125 điểm.
Sang phiên chiều, áp lực bán xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. May mắn là lực cầu bắt đáy xuất hiện về cuối phiên đã giúp VN-Index không đóng cửa ở mức thấp nhất ngày và thị trường cũng không xảy ra hiện tượng bán tháo.
Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với gần 80% cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Trên HOSE có 437 cổ phiếu giảm, trong khi có 118 cổ phiếu tăng và 58 cổ phiếu tham chiếu. Toàn bộ cổ phiếu rổ VN30 đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.101,19 điểm, giảm 24,34 điểm, tương đương mức giảm 2,16% so với phiên trước và giảm 0,49 điểm so với tuần trước. Như vậy, mọi nỗ lực kéo thị trường đi lên trong suốt 4 phiên đầu tuần (từ 13-16/11) đã bị phá vỡ.
Số liệu thị trường cho thấy, VCB (-2,73%) là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index, theo sau là VIC (-6,43%), VHM (-0,43%) và các bluechip khác: BID (-1,94%), HPG (-2,57%), VPB (-3,02%), GAS (-1,63%), MSN (-2,88%). Diễn biến tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt bốc hơi 1,32% và 1,27% còn 226,54 điểm và 86,02 điểm.
Nếu như, tuần trước, điểm tựa của VN-Index là VHM và VIC, tuần này, 2 cổ phiếu nhà Vin lại đẩy chỉ số đi xa, lần lượt lấy đi của VN-Index 4,1 điểm và 2,9 điểm trong tuần. VCB là cổ phiếu đứng thứ 2 top ảnh hưởng tiêu cực với mức tác động -3,1 điểm.
Nhóm bất động sản giảm mạnh nhất hôm nay (-3,43%). Ngoài áp lực từ bộ ba cổ phiếu Vingroup thì nhiều mã cùng giảm đáng kể như: NVL (-3,9%), DXG (-3,7%), CEO (-3%), DIG (-1,9%), HDG (-2,5%), HDC (-3,1%)... Ngược lại, vẫn có những mã ngược chiều như PDR (+2,7%), KBC (+0,8%), SJS (+2,3%), ITA (+6,6%), DXS (+1,3%)...
PDR là cái tên được nhắc khá nhiều sau khi công bố kế hoạch vay vốn MBB 3.200 tỷ đồng đầu tư cho dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và Thuận An 2.
Nhóm chứng khoán (-2,99%) cũng giảm mạnh với SSI (-2,5%), VND (-3,6%), VIX (-3,6%), VCI (-2,9%), VDS (-2,3%), SHS (-3,8%), HCM (-3%), FTS (-3,7%), BSI (-4,6%)... Chiều tăng chỉ còn APG (+0,7%), EVS (+1,1%), IVS (+1%), TCI (+5,7%), TVC (+1,8%).
Nhóm Ngân hàng không còn mã nào giữ được sắc xanh, chỉ có BAB, SGB, VBB đứng tham chiếu. Giảm mạnh nhất là SHB (-3,5%), VPB -3%; ABB, ACB, EIB, HDB, MSB, NAB, OCB, TCB... giảm hơn 2%.
Các nhóm thuỷ sản, thiết bị điện, vật liệu xây dựng, khai khoáng đều giảm hơn 2% vốn hoá. Nhóm duy nhất ngược dòng hôm nay là nông nghiệp, với HAG +1,3%, HNG +0,8%. Với mức tăng hôm nay, HAG về lại mức giá 9.120 đồng/CP, tăng gần 20% kể từ cuối tháng 9/2023.
Đà giảm của VN-Index hôm nay có sức đẩy “nhiệt tình” từ phía nhà đầu tư ngoại khi bán ròng tới gần 800 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với phiên trước. Đáng chú ý, khối này bán khá mạnh các cổ phiếu ngân hàng.
Trái với động thái giảm mạnh, thanh khoản toàn thị trường lại tăng mạnh với gần 1,5 tỷ đơn vị cổ phiếu được giao dịch, tương đương giá trị hơn 28.200 tỷ đồng.
Tính riêng trên HOSE, thanh khoản đẩy lên cao với giá trị giao dịch đạt 24.335 tỷ đồng, vượt xa mức 14.780 tỷ đồng hôm qua hay bình quân trong khung thời gian 1 tuần gần đây (18.368 tỷ đồng), 1 tháng (16.012 tỷ đồng), vượt mức trung bình 20 phiên.