Gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc

Theo Kỳ Anh/Báo Hậu Giang

Các bộ, ngành, địa phương đang tăng tốc tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc trọng điểm. Trong đó, có 3 dự án là cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu, Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tổng mức đầu tư lên đến trên 84.000 tỉ đồng.

Gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc. Ảnh: Kỳ Anh
Gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc. Ảnh: Kỳ Anh

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuẩn bị đầu tư 3 dự án này và xin ý kiến Chính phủ nội dung dự thảo tờ trình về chủ trương đầu tư dự án; ý kiến về cơ chế, chính sách liên quan đến phân chia dự án thành phần, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần. Hầu hết các địa phương, trong đó có Hậu Giang thể hiện tinh thần xung phong, quyết tâm cao nếu được giao thực hiện các dự án thành phần qua địa bàn.

Trong 3 dự án đường bộ cao tốc nêu trên, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa phận tỉnh Hậu Giang khoảng 36,9km, qua tỉnh An Giang khoảng 57,2km, thành phố Cần Thơ khoảng 37,2km và tỉnh Sóc Trăng khoảng 56,9km. Điểm đầu dự án giao với tuyến tránh Quốc lộ 91, thành phố Châu Đốc; điểm cuối dự án tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Quy mô quy hoạch 6 làn xe, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện theo quy mô quy hoạch hoàn chỉnh. Thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cơ bản phải hoàn thành năm 2023 để khởi công. Dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, trân trọng và cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông của vùng. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang được hưởng lợi rất lớn từ chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Hậu Giang nhất trí cao với dự thảo báo cáo nội dung tờ trình Bộ Chính trị do Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh 2 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng triển khai trong giai đoạn này tạo ra chuỗi kết nối mới cho các tỉnh phía Nam, nhất là giữa các tỉnh Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh với cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Từ đây, góp phần tạo động lực lớn trong thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu ngân sách cho các tỉnh có tuyến đi qua.

“Hậu Giang thống nhất về hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời sẽ quyết tâm chính trị cao, nỗ lực hết sức khi triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn. Vừa qua, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, đồng thời kiểm soát giữ nguyên hiện trạng trên các tuyến cao tốc, không để xảy ra tình trạng trồng cây, xây dựng để làm tăng giá trị đền bù sau này”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết.

Ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, bày tỏ sự ủng hộ cao đối với các tuyến đường cao tốc chuẩn bị triển khai. Đây là những hạ tầng giao thông chiến lược thúc đẩy phát triển cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Riêng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được hình thành giúp kết nối đồng bộ với cảng Trần Đề để triển khai quy hoạch cảng biển quốc gia, tạo ra động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

“Chúng tôi thống nhất cao quy mô đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn và thời gian triển khai dự án. Đồng thời, xung phong nhận nhiệm vụ làm đơn vị chủ quản thực hiện các tuyến cao tốc đường bộ đoạn qua địa phận Sóc Trăng. Tỉnh đã có văn bản về vấn đề này gửi Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời Sóc Trăng đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, Ban điều hành dự án. Sóc Trăng đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư. Về phân chia dự án thành phần, tỉnh thống nhất đoạn qua địa phận Sóc Trăng thành lập 1 dự án thành phần với chiều dài khoảng 56km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.120 tỉ đồng. Sóc Trăng đã cập nhật dự án này vào quy hoạch của tỉnh và cập nhật vào dự thảo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng cam kết với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ”, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu rõ.

Trong buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương về 3 dự án trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo đúng quy trình, quy định. Đồng thời, phải quyết tâm cao - nỗ lực hơn nữa để thực hiện cấp bách 3 dự án cao tốc này. “Đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cùng nhau cố gắng hơn nữa”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, làm gọn lại nội dung tờ trình. Trong đó, tập trung làm rõ sự cần thiết đầu tư dự án; tính cấp thiết; làm rõ nguyên nhân khi đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công. Cập nhật đánh giá tác động môi trường, tác động của dự án. Tính toán kỹ suất đầu tư từng tuyến đường cao tốc.

Về nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành thống nhất quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Với nhu cầu vốn đầu tư lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải phải cân đối kỹ lưỡng. Riêng các địa phương phải cố gắng giải phóng mặt bằng sớm, trên tinh thần phải quyết liệt vào cuộc thực hiện song song nhiều phần việc, khó đến đâu gỡ đến đó.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53km, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.800 tỉ đồng. Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 117km, tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ là gần 22.000 tỉ đồng. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2km, giai đoạn 1 của dự án được đầu tư với quy mô xây dựng 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h; tổng mức đầu tư trên 44.000 tỉ đồng.