GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao dần

Theo daibieunhandan.vn

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2017, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn cũng thuận lợi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Những tín hiệu lạc quan

Theo Báo cáo của WB công bố sáng ngày 13/4, hoạt động kinh tế ở Việt Nam chững lại trong năm 2016 với mức GDP ước tăng 6,2%, trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,6%, thấp hơn so với 9,6% năm trước, chủ yếu do tăng trưởng âm 4% ở ngành khai khoáng.

Ngược lại, tăng trưởng ngành dịch vụ được đẩy lên gần 7% so với mức 6,3% của năm 2016 do tiêu dùng tư nhân và kết quả khả quan của ngành du lịch. Xét từ góc độ cầu, tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ đầu tư (đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng mạnh) và tăng tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên, dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3%, trong năm 2017, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi, chủ yếu do sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến xuất khẩu.

Áp lực lạm phát ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm. Ngân sách sẽ được củng cố phần nào, quá trình thoái vốn sẽ tăng nhanh, nhưng sẽ được triển khai dần dần nhằm kiềm chế nợ công.

Các chuyên gia kinh tế của WB phân tích, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì với mức lạm phát vừa phải. Lạm phát sau khi giảm xuống mức kỷ lục năm 2015 đã tăng dần trở lại, nhưng lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung nằm dưới chỉ tiêu chính thức là 5%. Mặc dù môi trường kinh tế đối ngoại không thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (theo giá hiện hành) tăng trưởng 9%, cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Tăng trưởng xuất khẩu, kết hợp với nhập khẩu chững lại, dẫn đến thặng dư thương mại, khiến cho thặng dư tài khoản thanh toán vãng lai tăng từ 0,5% GDP năm 2015 lên hơn 3% năm 2016. Đầu tư trực tiếp FDI vẫn là động lực chính về tăng trưởng kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục năm 2016 ở mức gần 16 tỷ USD (7,7% GDP).

Theo WB, bội chi ngân sách cao và kéo dài trong những năm qua. Bội chi ngân sách bình quân ở mức 5,5% GDP trong giai đoạn 2011 - 2016, so với 2,2% GDP trong giai đoạn 2006 - 2010. Ngân sách vẫn tiếp tục chịu áp lực trong năm 2016, với mức bội chi ước tính khoảng 6,5% GDP (bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách). Bội chi ngân sách cao và kéo dài là lý do chính khiến nợ công tăng lên, dự kiến sẽ chạm mức trần quy định là 65% GDP vào cuối năm 2016.

Tăng cường chính sách

Phân tích những rủi ro có thể xảy ra, các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực, nhưng có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra. Nhìn từ trong nước, chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng.

Nhìn từ bên ngoài, kinh tế thế giới biến động mạnh có thể tác động qua các kênh thương mại và đầu tư khiến cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm. Xử lý khả năng dễ tổn thương do thiên tai, môi trường và khí hậu trong những năm gần đây là một thách thức trong cải thiện phúc lợi hộ gia đình, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Sudhir Shetty, sức bật toàn khu vực nói chung và các nước nói riêng phụ thuộc nhiều vào việc các nhà lập chính sách có khả năng nắm bắt và điều chỉnh cho phù hợp với các bất ổn toàn cầu và yếu kém trong nước như thế nào.

Các nhà lập chính sách cần ưu tiên các biện pháp đối phó với các rủi ro toàn cầu có thể đe dọa nguồn vốn từ bên ngoài và chi phí đi vay các nguồn vốn đó. Ngoài ra cũng cần chú ý đẩy mạnh xuất khẩu; tập trung tăng cường chính sách và khung thể chế hướng tới tăng năng suất lao động.

Còn theo Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Victoria Kwakwa, để tăng trưởng trong khu vực nói chung và các nước nói riêng, các nước cần tiếp tục dựa vào mức cầu nội địa mạnh, trong đó bao gồm tăng chi công, mức tăng chi cá nhân và đầu tư ngày càng mạnh.

Vì vậy, các chính sách cần phải phù hợp để các nước đang phát triển có thể duy trì tăng trưởng và giảm nghèo. Muốn có sức bật trong tăng trưởng, các nước phải tìm được cách giảm mức độ dễ bị tổn thương về tài khóa, đồng thời nâng cao chất lượng chi công, tăng cường hội nhập toàn cầu và hội nhập khu vực.