Tăng trưởng thấp, áp lực lớn lên ngành công nghiệp
Với mức tăng thấp nhất trong 6 năm trở lại đây, mức tăng 3,85% của khu vực công nghiệp trong quý I/2017 góp phần làm cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý I chỉ đạt 5,1%. Điều đáng quan ngại cho nhiều ngành công nghiệp trong tương lai chính là sức ép từ cắt giảm thuế quan thời gian tới.
Vấn đề tăng trưởng thấp của khu vực công nghiệp là điểm cần lưu tâm từ kết quả công bố về các chỉ số tăng trưởng kinh tế trong quý I/2017 của Tổng cục Thống kê hôm 29/3.
Đơn cử, một số mặt hàng chủ chốt giảm mạnh là giày dép giảm 1,6%, khí hóa lỏng (LPG) giảm 3,9%, than đá giảm 5,6%, đường giảm 7,4%, điện thoại di động giảm 8,2%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,9%, dầu thô khai thác giảm 14,9%.
Nỗi lo tụt dốc
Lý giải nguyên nhân về tăng trưởng chậm lại của sản xuất công nghiệp trong quý I/2017, giới chuyên gia cho biết, do ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng chung.
Nhìn lại năm 2016, có thể thấy chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng không cao, chỉ khoảng 7,5%. Nhóm ngành khai khoáng giảm sâu ở mức – 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm mức tăng chung.
Nhóm các sản phẩm trung gian năm 2016 tăng 5%. Nhận định gần đây của Bộ Công Thương cho rằng ngành khai khoáng vẫn trong xu hướng giảm mạnh, nên năm 2017, công nghiệp chế biến – chế tạo được xác định tiếp tục là động lực để kéo mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2017, ngành chế biến – chế tạo đạt mức tăng 8,3%, vẫn giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của năm 2015 và 8,94% của năm 2016.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm từng đánh giá, xu hướng ngành công nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến – chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng là điều cần thiết vì Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, cần chú ý, tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn về bề rộng (tăng số doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và thu hút lao động), trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế.
Bên cạnh mức tăng thấp, một nỗi lo khác với sản xuất công nghiệp chính là áp lực cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các ngành sản xuất trong nước phải chịu sức ép lớn do mức độ cạnh tranh sản phẩm ngày càng gia tăng ngay tại thị trường nội địa.
Như trước năm 2015, do mức độ cam kết cắt giảm thuế quan của các FTA đã ký chưa lớn nên tác động tới các ngành trong nước chưa nhận thấy rõ rệt. Nhưng từ năm 2015, các FTA được Việt Nam cam kết đều bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, nhất là Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) cùng có thời điểm xóa bỏ thuế quan vào năm 2018.
Ông Hải cho rằng những ngành công nghiệp chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng bao gồm: ô tô, xe máy, ngành điện tử, sản phẩm nhựa, phôi thép…
Cần bảo vệ thị trường
Điển hình như ngành thép là mặt hàng chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn từ năm 2015 do thuế suất của tất cả các FTA đều thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Đến cuối lộ trình, năm 2018, thuế suất trung bình của các FTA như ATIGA, Hiệp định thương mại ASEAN – Nhật Bản (AJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) sẽ chỉ ở mức 0 – 5%.
Riêng trong ACFTA, Việt Nam phải đưa thuế phôi để sản xuất thép cuộn, thép chứa bo về 0% vào năm 2018 và phôi để sản xuất thép câu về dưới 5% vào năm 2020.
Hoặc như với máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, linh kiện, theo ông Trần Thanh Hải, đây là ngành ít có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị từ 37 nước, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm trung bình gần 35% tỷ trọng.
Các mặt hàng này chủ yếu có mức xóa bỏ thuế vào năm 2018 đối với ATIGA, vào năm 2020 đối với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia/New Zealand (AANFTA) và muộn hơn với Nhật Bản.
Với Hiệp định ACFTA, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA), AKFTA có lộ trình giảm thuế phân tán. Các mặt hàng dây và cáp điện; điện thoại và linh kiện; sản phẩm điện tử và linh kiện… được xóa bỏ thuế từ năm 2018.
Vì vậy, khả năng nhập khẩu mặt hàng này trong các năm sau năm 2018 sẽ tăng nhanh hơn.Một đơn cử khác là ngành giấy. Việt Nam hiện nay chỉ sản xuất được các sản phẩm như giấy in, giấy in báo, giấy bao bì công nghiệp thông thường, giấy vàng mã, giấy vệ sinh chất lượng thấp, còn các loại giấy khác vẫn phải nhập khẩu.
Trong những năm gần đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu giấy từ ASEAN (chiếm 50% lượng nhập khẩu từ thế giới). Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với giấy các loại trong ATIGA đã ở mức thấp và sẽ về 0% vào năm 2018; riêng với bột giấy, việc cắt giảm thuế sẽ về 0% vào năm 2019 với tất cả các FTA. Trong bối cảnh đó, ngành giấy sẽ đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước nhập khẩu ASEAN.
Trước áp lực của nhiều ngành công nghiệp mà ô tô là một điển hình, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch công ty CP Ô tô Trường Hải, từng khuyến nghị, đối với những ngành công nghiệp là động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác và các ngành công nghiệp mũi nhọn, cần có chính sách bảo vệ thị trường phù hợp với cam kết hội nhập và lộ trình hợp lý.
Trong bối cảnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp tụt dốc như hiện nay, giới chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vấn đề khai thác có hiệu quả các FTA cũng nên đặt lên hàng đầu để hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, cần tận dụng các thành quả để nâng cao năng suất lao động, phát triển những ngành công nghiệp mới.
Việc xử lý các vấn đề tồn tại ở các dự án công nghiệp đầu tư kém hiệu quả cũng phải sớm giải quyết dứt điểm. Và quan trọng là ngành công nghiệp nên tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.