GDP quý I/2022 ước đạt 5,03%
Theo số liệu vừa công bố về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước đạt 5,03%, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021.
Theo Tổng cục Thống kê, tuy GDP quý I/2022 tăng cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021, nhưng tốc độ tăng trưởng của quý I năm nay vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 %; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%...
Kết quả trên cho thấy sự khởi sắc và hồi phục của khu vực dịch vụ. Chính sự hồi phục của khu vực này đã đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cụ thể, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, quý I/2022 sự đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm, điển hình như: hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54%; ngành Vận tải, Kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43%; ngành Bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31%...
Về sử dụng GDP quý I/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%...
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).
Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP quý I có mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.
Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Bà Hương cũng đưa ra dự báo trong quý II/2022, kinh tế – xã hội Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu.