George Soros: Trung Quốc đang giống với Mỹ thời kỳ trước khủng hoảng 2008
Theo "thiên tài bán khống" Soros, nền kinh tế phụ thuộc vào nợ như hiện nay của Trung Quốc giống với kinh tế Mỹ giai đoạn 2007 - 08, trước khi thị trường tín dụng gặp rắc rối và gây nên khủng hoảng toàn cầu.
Nhà đầu tư đại tài Soros đã nhìn thấy điềm báo không mấy tốt lành trong báo cáo tăng trưởng tín dụng tháng 3 của Trung Quốc. Theo thước đo rộng nhất, lượng tín dụng mới trong tháng 3 của Trung Quốc đạt 2.340 tỷ NDT (362 tỷ USD), bỏ xa mức dự báo 1.400 tỷ NDT. Đồng nghĩa với việc chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng bằng nợ.
Soros, người kiếm được 24 tỷ USD nhờ tài năng dự đoán thị trường gần đây đã tham gia vào một cuộc tranh luận với chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 1, ông phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos rằng ông đánh cược chống lại các loại tiền tệ châu Á vì khả năng Trung Quốc hạ cánh cứng là không thể tránh khỏi. Đáp lại, Tờ Tân hoa xã đưa tin, trước đây ông Soros đã có một vài dự báo tương tự nhưng đều không chính xác.
Ông cảnh báo một thảm họa sắp đổ bộ xuống Trung Quốc tương tự cuộc khủng hoảng 2008. Tháng 9/2011 tại Washington, ông nhận định khủng hoảng nợ công Hy Lạp còn nguy hiểm hơn cả khủng hoảng tài chính 2008.
Tiếng tăm của nhà đầu tư người Hungary vang danh toàn cầu sau sự sụp đổ của Ngân hàng Anh (bank of England) năm 1992 do người ta tin rằng ông là người đứng đằng sau sự kiện này. Ông kiếm được 1 tỷ USD bằng cách đặt cược Anh sẽ buộc phải giảm giá đồng bảng.
Soros bắt đầu sự nghiệp của mình tại New York trong những năm 1950. Ông chứng kiến quỹ đầu tư của mình tăng lợi nhuận hàng năm khoảng 20% trong suốt giai đoạn 1969-2011
Quý trước nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu ổn định, bắt kịp đà tăng trưởng trong tháng 3. Bên cạnh đó tăng trưởng tín dụng giúp hồi phục khu vực nhà nước dù trong sự nghi ngờ của giới đầu tư. GDP tăng 6,7% trong 3 tháng đầu năm, khá hòa hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5-7% của chính phủ.
Nhà kinh tế trưởng Ma Jun thuộc nhóm nghiên cứu của NHTW nhận định, số liệu gần đây về tăng trưởng trong ngành bất động sản, công nghiệp và hàng hóa cho thấy triển vọng kinh tế Trung Quốc tốt hơn dự báo.
Tuy nhiên, tăng trưởng ổn định không đủ làm dịu lòng nhà đầu tư do Trung Quốc vẫn dựa vào đầu tư chính phủ tại các công ty nhà nước để kích thích nền kinh tế.
Chính phủ đã mạnh tay can thiệp vào thị trường tài chính sau khi cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán làm thất thoát 5.000 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường trong khi đồng nhân dân tệ mất giá.
Phong trào chống tham nhũng và những bất ổn trong nền kinh tế khiến cho giới đầu tư hoang mang lo sợ dẫn đến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 10,3 tỷ USD lên 3.210 tỷ USD trong tháng 3, nhưng năm ngoái nguồn này đã giảm 517 tỷ USD.