Trao Quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc: Bài toán khó cho châu Âu

Theo daibieunhandan.vn

Trong năm nay, cuộc tranh luận về việc Liên minh châu Âu (EU) có nên trao cho Trung Quốc “Quy chế kinh tế thị trường” (MES) hay không sẽ tác động không nhỏ tới tương lai mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Bắc Kinh, một trong những mối quan hệ lớn nhất trên thế giới. Xung quanh vấn đề này, giới chuyên gia nhận định đây không phải là một bài toán dễ tìm lời giải.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ràng buộc trách nhiệm

Theo các điều khoản trong Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Trung Quốc, các thành viên WTO được phép đối xử với Trung Quốc như một “nền kinh tế phi thị trường” đến tháng 12.2016. Sau thời điểm đó, các thành viên WTO phải đồng ý cấp MES cho Trung Quốc.

Tại sao điều này lại quan trọng? Nếu Trung Quốc được trao MES, thì EU (và các thành viên WTO khác) sẽ gặp khó khăn hơn trong việc triển khai thành công luật chống bán phá giá nhằm đối phó với những hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc. Bán phá giá về cơ bản có nghĩa là một nước xuất khẩu sản phẩm của mình đến nước khác với giá thấp giả tạo để giành thị phần. Luật chống bán phá giá là nhằm áp đặt thuế nhập khẩu để bù đắp cho giá trị “hàng hóa giả tạo” đó.

Quá trình EU quyết định có cấp MES cho Trung Quốc hay không sẽ có tác động lớn. Tình hình đã trở nên phức tạp hơn khi Bắc Kinh tăng xuất khẩu thép sang EU. Do tăng trưởng chậm lại và nhu cầu suy giảm ở trong nước, các quan chức Trung Quốc đã triển khai một loạt chính sách nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, trong đó có ngành thép, dẫn đến tình trạng dư thừa. Số lượng sắt thép dư thừa của Trung Quốc hiện nay vượt quá 400 triệu tấn/năm.

Đây là một trong những lý do tại sao xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng lên 20%, đạt mức kỷ lục 100 triệu tấn trong năm 2015. Giới chức Bắc Kinh đã thừa nhận rằng việc “phân bổ các nguồn tài nguyên quá mức” và “can thiệp bất hợp lý” của chính quyền địa phương đã khiến việc cắt giảm công suất dư thừa trở nên khó khăn. Và số lượng dư thừa đó “tràn” vào EU đúng vào thời điểm vấn đề MES của Trung Quốc đang được xem xét.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Kinh tế ở Washington (Mỹ) ước tính rằng tất cả các nước và các lĩnh vực, với khoảng từ 1,7 triệu đến 3,5 triệu việc làm ở EU, có thể gặp rủi ro nếu cấp MES cho Trung Quốc. Các nhóm lao động đại diện cho ngành công nghiệp thép ở EU đã đổ ra đường phố Brussels (Bỉ) biểu tình phản đối việc cấp MES cho Trung Quốc, thay vì áp đặt thuế chống bán phá giá. Về phần mình, Trung Quốc đã duy trì lập trường cho rằng EU phải cấp MES cho Trung Quốc theo hiệp định WTO vào cuối năm nay và bày tỏ hy vọng EU sẽ tôn trọng thỏa thuận này.

EU không thể “phá luật”

Theo các chuyên gia, EU và Trung Quốc phải tìm cách đưa quan hệ thương mại của mình vượt qua cơn sóng gió này. Đối với EU, vấn đề là phải đạt được một quyết định pháp lý đáng tin cậy về việc có hay không các điều khoản của hiệp định WTO buộc họ phải trao MES cho Trung Quốc vào cuối năm 2016, hoặc liệu có phạm vi cho bất kỳ kết quả hay kết luận khác hay không. Quyết định đưa ra cần phải dựa trên thực tế và tính chất của sự việc, không phải trên cơ sở của những khẩu hiệu phản đối của người biểu tình trên đường phố.

Các luật sư đang tiếp tục tranh cãi về vấn đề này. Việc từ chối cấp MES, mà đáng ra phải tuân thủ theo Hiệp định WTO, sẽ gửi thông điệp rằng các nước có thể tự do phá vỡ các thỏa thuận thương mại một khi nó phù hợp với nhu cầu trong nước của họ. Thiệt hại lâu dài của thông điệp đó sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích ngắn hạn, đặc biệt kể từ khi phương Tây rao giảng cho Trung Quốc về lợi ích của việc “tuân thủ luật chơi” trong nhiều thập niên qua.

Trung Quốc cần trách nhiệm hơn

Trung Quốc cần phải nhận ra rằng nước này đã để lại một hậu quả sâu sắc cho hệ thống thương mại toàn cầu. Hậu quả đó có thể là do Bắc Kinh trong thời gian dài theo đuổi các mục tiêu chính sách trong nước mà không đếm xỉa đến những tác động tiêu cực bên ngoài lãnh thổ của mình. Trong khi Trung Quốc có quyền theo đuổi các mục tiêu chính sách trong nước, bây giờ các quyết định chính sách sẽ cần phải được xem xét trong một bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn.

Không quá khó đoán, nhiều khả năng số lượng thép dư thừa của Trung Quốc sẽ không thể xuất sang châu Âu trong thời gian tới. Và vấn đề MES, ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm ở EU, sẽ trở thành vấn đề chính trị nặng nề giữa EU và Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ phải thể hiện một sự nhạy cảm lớn hơn cho những thực tế hiện tại, chứ không phải như họ làm trong quá khứ.

Mặc dù, tình hình khó đoán trước nhưng vẫn còn có cơ hội cho các nhà lãnh đạo sáng suốt của cả hai bên tìm kiếm một cách giải quyết hợp lý phản ánh các mục tiêu trong nước mà không đe dọa thành quả của mối quan hệ thương mại cùng có lợi. Trung Quốc và EU không nhất thiết phải mâu thuẫn, thậm chí là xung đột về vấn đề cấp hay không cấp MES. Đây là thời điểm cho những cái đầu lạnh và những triển vọng dài hạn.