Ghế nóng tại Brussels

Theo Hải Hồ/daibieunhandan.vn

Với khẩu hiệu “Đoàn kết tạo nên sức mạnh”, Bulgaria bắt đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Trước những vấn đề của EU hiện nay, nhiệm kỳ đầu tiên của Bulgaria kể từ khi gia nhập EU năm 2007 chắc chắn sẽ không dễ dàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trách nhiệm dẫn dắt

Trên trang web Chủ tịch luân phiên EU, Bulgaria đặt ưu tiên 4 lĩnh vực then chốt trong nhiệm kỳ 6 tháng: Tương lai của EU và giới trẻ, khu vực Tây Balkan, an ninh và ổn định cũng như nền kinh tế số. Nước này mong muốn sẽ trở thành cầu nối Đông Âu và Tây Âu, nhất là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, để có thể đạt thỏa thuận trên nhiều vấn đề nóng hiện nay, trong đó có người di cư.

Theo Thủ tướng Boyko Borisov, dù các cuộc đàm phán Anh rời khỏi EU (Brexit) có khó khăn, nhưng không thể làm lu mờ các vấn đề quan trọng khác của châu lục như an ninh và di cư, phát triển kinh tế, xây dựng liên minh năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng cường vai trò toàn cầu của châu Âu. Ông cam kết nỗ lực hết mình để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề an ninh và di cư, cải thiện kiểm soát biên giới, cải cách chính sách tị nạn và phân phối ngân sách EU trong tương lai.

Người đứng đầu Chính phủ Bulgaria cũng đề nghị EU quan tâm đặc biệt tới các nước khu vực Tây Balkan để bảo đảm khu vực này luôn an toàn, ổn định và phát triển. Thủ tướng Bulgaria Borisov cho rằng việc Anh rời khỏi EU là một cơ hội để EU mở rộng và chào đón những nước ở khu vực Tây Balkan trở thành thành viên mới của khối.

Thủ tướng Bulgaria thừa nhận các cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra rất khó khăn nhưng cũng nhấn mạnh, “đây thực sự là một cơ hội để EU đưa bán đảo Tây Balkan tham gia vào khối”. Cho rằng Tây Balkan là “khu vực tuyệt vời với những nguồn lực tuyệt vời”, ông Borisov kêu gọi EU mở rộng theo hướng kết nạp các quốc gia như Macedonia, Montenegro, Albania, Serbia, Bosnia-Hervegovina...

Nhà lãnh đạo cam kết, Bulgaria sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập của các nước Tây Balkan vào EU trong nhiệm kỳ của mình, và vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU và 6 nước khu vực Tây Balkan tổ chức vào tháng 5 tới tại Thủ đô Sofia.

Thách thức chồng chất

Trong bối cảnh châu Âu đang bị tổn thương do cuộc khủng hoảng người nhập cư từ châu Phi, Trung Đông, và các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu thời gian qua, nhiệm vụ quan trọng mà Bulgaria xác định trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU năm 2018 là giúp châu Âu trở nên an toàn hơn. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, Bulgaria phải điều phối cũng như kết nối các nước thành viên để có được tiếng nói và hành động chung thay vì giải quyết ở tầm quốc gia riêng lẻ hay nhóm nước nào đó.

Bên cạnh đó, Bulgaria cũng sẽ phải giải quyết các vấn đề của khối như ngân sách EU sau năm 2020, kế hoạch cải tổ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, yêu cầu về cải cách các thể chế châu Âu hậu Brexit cũng như quá trình hướng tới thị trường số chung của châu Âu.

Về vấn đề người di cư, các nhà lãnh đạo EU hy vọng đến tháng 6.2018 có thể cải tổ chính sách tỵ nạn với việc sửa đổi quy định Dublin, đang giao trách nhiệm xử lý đơn của người di cư cho những nước tuyến đầu tiếp nhận người nhập cư và họ đang phải chịu gánh nặng vượt tầm kiểm soát kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng người di cư.

Do vậy, Thủ tướng Bulgaria Borisov bày tỏ mong muốn sẽ trở thành cầu nối Đông Âu và Tây Âu để thúc đẩy cải thiện mối quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng quan trọng với 259km đường biên giới chung. Ông Borissov nhấn mạnh EU phải giữ được thỏa thuận về người nhập cư ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, vốn cho phép giảm đáng kể làn sóng người di cư từ Trung Đông vào châu Âu, trong đó Bulgaria là một cửa ngõ quan trọng.

Về vấn đề Brexit, tiếp nối Estonia, Bulgaria cũng sẽ phải khởi động vòng đàm phán của các lãnh đạo EU với Anh về một giai đoạn chuyển đổi hậu Brexit cũng như khuôn khổ tương lai mối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Trong khi đó, sự thay đổi theo chiều hướng xấu của môi trường chính trị châu Âu với sự trỗi dậy của phe cánh hữu và dân túy cũng đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với Bulgaria, nếu quốc gia này muốn hướng tới tạo sự ổn định cho châu lục trong nhiệm kỳ của mình. Đại diện Bulgaria bên cạnh EU Ognian Zlatev cũng thừa nhận chương trình nghị sự năm 2018 được cho là rất nặng nề, một phần do đây là năm cuối nhiệm kỳ của Ủy ban châu Âu trước khi diễn ra các cuộc bầu cử vào năm 2019.

Kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội tại Đức, Pháp, Áo, Séc... năm 2017 cho thấy xu hướng trỗi dậy của phe cánh hữu và dự đoán còn tiếp tục trong năm 2018 với cuộc bầu cử Quốc hội tại Hungary và Italy.

Bulgaria rất kỳ vọng vào nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên đầu tiên của mình để có thể cải thiện hình ảnh đất nước. Là thành viên nghèo nhất trong khối, xếp thứ 21/28 nước thành viên EU về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Bulgaria đang nỗ lực thuyết phục EU rằng đất nước này xứng đáng được hội nhập vào khối tự do đi lại Schengen và trong dài hạn là Eurozone. Với tinh thần hòa giải, Chính phủ Bulgaria được kỳ vọng có thể giúp EU hóa giải được nhiều vấn đề gai góc mà khối này đang phải đối mặt.