Thủy sản cần nỗ lực thoát "thẻ vàng" từ EU

Theo Lê Hòa/baokiemtoannhanuoc.vn

Cuối tháng 10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức rút "thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, cũng như đáp ứng quy định của EU (IUU). Theo đó, sau 6 tháng, nếu Việt Nam không có những biện pháp khắc phục thì EU sẽ rút “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc Việt Nam bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.

Cuối tháng 10 vừa qua, EU đã chính thức rút "thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. Nguồn: internet
Cuối tháng 10 vừa qua, EU đã chính thức rút "thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. Nguồn: internet
Nhiều hệ lụy

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc EU chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; hải sản xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ - nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản từ 01/01/2018.

Mặt khác, trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% lô hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, việc này làm mất thời gian và chi phí cho DN xuất khẩu. Đáng lo ngại nhất là hàng bị trả về rất cao, khi đó, một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000 - 10.000 Euro (khoảng 270 triệu đồng/container).

Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU.

VASEP cũng cho biết, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu vấn đề này được giải quyết thì EU sẽ ban hành “thẻ xanh”, đồng nghĩa với việc xóa cảnh cáo. Ngược lại, nếu vấn đề không được khắc phục thì Việt Nam sẽ nhận chiếc “thẻ đỏ” kèm theo một số biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản vào thị trường EU.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về hải sản, việc EU rút “thẻ vàng” cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu hải sản Việt Nam. Mục tiêu trước mắt là đến tháng 4/2018, Việt Nam vẫn giữ được “thẻ vàng”, tránh bị “thẻ đỏ”, từ đó làm tiền đề lấy lại “thẻ xanh”.

Tìm giải pháp gỡ “thẻ vàng”

Tại Hội nghị “Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu - hiện trạng và giải pháp” được tổ chức vừa qua, Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho biết, mỗi năm, các DN Việt Nam nhập khẩu hơn 1 tỷ USD nguyên liệu thủy - hải sản để chế biến xuất khẩu. Dự báo đến năm 2020, nhập khẩu nguyên liệu sẽ là 2 tỷ USD. Trước nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu, VASEP đề nghị Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn tình trạng các DN tạm nhập tái xuất hay nhập khẩu để tiêu thụ nội địa nhưng không quan tâm đến quy định của IUU, bất chấp nguồn gốc nguyên liệu có hợp pháp hay không. Vì điều này sẽ ảnh hưởng đến việc EU xem xét thái độ của Việt Nam trong việc hợp tác về IUU.

Với những tàu nước ngoài vi phạm IUU về cập cảng, nếu cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện buộc tái xuất, xử phạt và thông báo cho EU biết, thể hiện sự hợp tác toàn diện IUU quốc tế. Ngoài ra, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần xây dựng sổ tay hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu thủy sản để chế biến xuất khẩu sang EU.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để gỡ được “thẻ vàng” của EU, điều quan trọng là kiểm soát sao cho nguyên liệu IUU không vào được Việt Nam. Hiện EU có dữ liệu đầy đủ về các tàu IUU. Do đó, cơ quan chức năng của Việt Nam cần nhanh chóng liên hệ với EU để nắm các thông tin này, từ đó, có cơ sở kiểm soát chặt chẽ đầu vào, chặn các tàu IUU ngay tại cảng xuất.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể, chi tiết để thực hiện 9 khuyến cáo của EU đối với hải sản Việt Nam. 

Để EU rút lại “thẻ vàng”, hải sản Việt Nam phải hoàn thành cả 9 khuyến cáo nhưng có 3 nhóm giải pháp chính. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EU. Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Thuỷ sản (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó đã đưa vào tối đa các khuyến cáo của EU. Bộ NN&PTNT cũng đang khẩn trương triển khai sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuỷ sản. 

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân. Đây là vấn đề yếu nhất hiện nay và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn nhưng Việt Nam cần cố gắng làm những việc cấp bách trước mắt để EU sớm gỡ “thẻ vàng” đối với mặt hàng hải sản.