Giá dầu giảm sâu bởi kỳ vọng Fed nâng mạnh lãi suất
Đồng USD hiện đã ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ, chính vì vậy dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu nhiều loại tiền tệ khác.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba sau khi giá cả nhiều loại tài sản rủi ro khác đồng thời giảm. Đồng USD duy trì ở mức cao, nhà đầu tư dự báo nhiều hơn về khả năng sẽ có thêm ngân hàng trung ương nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày thứ Tư để kiềm chế lạm phát. Những kỳ vọng này không khỏi gây sức ép lên thị trường cổ phiếu, vốn thường biến động cùng chiều với giá dầu. Nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới ví như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhiều khả năng sẽ nhóm họp trong tuần này.
Lãi suất cao nhiều khả năng sẽ khiến đồng USD tăng giá mạnh hơn. Đồng USD hiện đã ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ, chính vì vậy dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu nhiều loại tiền tệ khác.
“Thị trường dầu hiện đang mắc kẹt giữa rủi ro suy giảm và hy vọng về tăng trưởng. Những mối lo này có nguyên nhân trực tiếp từ biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ và châu Âu, như vậy khả năng suy thoái kinh tế tăng cao và vì vậy gây áp lực lên triển vọng nhu cầu dầu”, chuyên gia phân tích về thị trường hàng hóa tại ngân hàng UBS – ông Giovanni Staunovo nhận xét.
Đóng cửa phiên giao dịch trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tháng 10/2022 giảm 1,38USD/thùng tương đương 1,5% xuống 90,62USD/thùng.
Thị trường London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn hạ 1,38USD/thùng tương đương 1,5% xuống 90,62USD/thùng. Giá dầu Brent hợp đồng tương lai tháng 11/2022 giảm 1,42USD/thùng xuống 83,94USD/thùng.
Giá dầu Brent và WTI đang hướng đến quý sụt giảm sâu nhất tính theo tỷ lệ phần trăm tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Vào tháng 3/2022, giá dầu Brent từng chạm mốc 139USD/thùng, ngưỡng cao nhất tính từ năm 2008.
“Đồng USD là then chốt, Fed giữ vị trí trung tâm. Chắc chắn họ sẽ cố gắng tiêu diệt bất kỳ yếu tố nào có thể gây ra lạm phát”, giám đốc bộ phận giao dịch năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho ở New York – ông Robert Yawger phân tích.
Các thị trường dầu trong thời gian gần đây đã không ngừng phản ứng với thông tin tiêu dùng yếu tại Mỹ và Trung Quốc.
Trong tháng 7/2022, những người sử dụng xe ô tô tại Mỹ lái xe ít hơn so với tháng trước đó và như vậy ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp do giá xăng dầu tăng cao. Giá bán lẻ xăng dầu hiện đã giảm từ mức đỉnh còn nhu cầu đi xuống.
“Chúng ta chắc chắn sẽ bước vào khoảng thời gian chuyển giao, khi đó, nhu cầu lái xe hoặc sử dụng nhiên liệu đốt nóng trong vòng 6 đến 7 tuần tới sẽ khó mà tăng cao”, ông Yawger phân tích.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ ước tính đã tăng khoảng 2 triệu thùng trong tuần trước.
Tài liệu từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cho thấy sản lượng của nhóm này trong tháng 8/2022 thấp hơn mức công bố ước tính 3,58 triệu thùng/ngày tức tương đương khoảng 3,5% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.