Doanh nghiệp Trung Quốc khốn đốn dưới tác động của kinh tế suy giảm

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Doanh nghiệp tại Trung Quốc đang đương đầu với áp lực chi phí leo thang, trong đó có việc giá dầu, ngũ cốc và nhiều loại hàng hóa khác tăng cao.

Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Các doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đang đưa ra những thay đổi với những sản phẩm thường ngày đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đương đầu với tình trạng chi phí tăng cao cũng như sự chững lại của kinh tế nội địa vốn đang gây ra quá nhiều sức ép lên tiêu dùng người dân.

Theo Wall Street Journal, lạm phát giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới trong thời gian gần đây đã được kiềm chế khá tốt, trái ngược lại hoàn toàn với tình hình lạm phát tại Mỹ, Anh và nhiều nước khác đang phải ứng phó với lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Nhu cầu tiêu dùng yếu tại Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính, cùng lúc đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngại ngần tăng giá hàng hóa dịch vụ.

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp tại Trung Quốc đang đương đầu với áp lực chi phí leo thang, trong đó có việc giá dầu, ngũ cốc và nhiều loại hàng hóa khác tăng cao. Thay cho việc tăng giá bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cố gắng giảm thiểu đi ảnh hưởng từ việc chi phí leo thang bằng cách giảm lượng hàng hóa bán ra trong một đơn vị sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đơn giản chấp nhận việc chi phí tăng cao hoặc sử dụng các cách sáng tạo để tiết giảm chi phí tối đa.

Tính từ mùa hè năm nay, hãng gà rán nổi tiếng của Mỹ KFC đã bổ sung thêm món chân gà, cổ gà, đầu cánh vào thực đơn tại các nhà hàng của họ. Những bộ phận này của gà được gom thành 1 set bao gồm 19 miếng và bán với giá 29,90 nhân dân tệ tức khoảng 4,27USD.

Doanh nghiệp quản lý chuỗi Yum China Holdings cho biết việc bổ sung thêm nhiều bộ phận của gà vào menu đã giúp giảm chi phí và tăng thêm giá trị cho món ăn tại chuỗi nhà hàng của họ. Trong nửa đầu năm 2022, số lượng nhà hàng KFC tại Trung Quốc đã tăng thêm 342, hơn nửa các nhà hàng mới ở những khu vực không mấy giàu có của nước này.

Trong khi đó, Yum China, hãng vận hành các nhà hàng Pizza Hut, gần đây công bố doanh thu nửa đầu năm 2022 giảm 4,2% xuống còn 4,8 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của Pizza Hut trong đó giảm 55% xuống còn 183 triệu USD.

Chuỗi nhà hàng lẩu Xiabuxiabu Catering Management chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khi mà các biện pháp phong tỏa khiến cho số lượng người đến nhà hàng giảm đáng kể. Chi phí thịt, trứng và rau đã “ăn” vào lợi nhuận của nhà hàng.

Gần đây, công ty đã đưa ra menu mới với giá từ 7 đến 10USD với nhiều món đi kèm giá rẻ như cơm, mì, và trà với kỳ vọng sẽ giúp làm tăng doanh thu bán hàng.

“Kỳ vọng thu nhập đang yếu đi. Nếu các doanh nghiệp nâng giá bán hàng hóa, họ sẽ khiến người tiêu dùng sợ hãi. Chính vì vậy, doanh nghiệp đang cố gắng giảm chi phí tối đa thông qua tối ưu hóa mô hình hoạt động của họ”, chuyên gia phân tích về thực phẩm và đồ uống tại công ty chứng khoán Soochow Securities – ông Tang Jun chỉ ra.

Hãng sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc, Foshan Haitian Flavouring & Food, trong năm ngoái đã nâng giá bán sản phẩm thêm 3% bởi viện dẫn lý do chi phí nguyên liệu tăng cao. Dù việc tăng giá bán sản phẩm này cũng giúp doanh thu có lên một chút trong năm nay, đại diện doanh nghiệp cho biết chi phí của hãng vẫn tiếp tục tăng và gây tổn hại đến lợi nhuận.

Vào tháng trước, Haitian công bố giá đậu tương lên mức cao chưa từng có, dù vậy hãng không có ý định nâng giá cao hơn nữa. Thay vào đó, hãng sẽ cố gắng hết sức để ngăn lãng phí nguyên liệu thô và sẽ cố gắng tìm cách để điều chỉnh hoạt động nhằm ứng phó với việc chi phí tăng cao.

So với cùng kỳ năm trước, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ 0,4% trong quý 2/2022, còn số liệu công bố chính thức của tháng 7 và tháng 8/2022 cũng ở mức tháp. Dù rằng người Mỹ đã tăng cường chi tiêu khi mà đại dịch COVID-19 hạ nhiệt, tiêu dùng tại Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19, sự đi xuống của thị trường bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở mức cao.