Giá dầu mỏ và chứng khoán thế giới "dìu nhau" đi xuống
Giá dầu mỏ đã rơi xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng; chứng khoán Mỹ và châu Âu cùng chìm trong “sắc đỏ”… là thông tin không mấy sáng sủa được thống kê trong phiên giao dịch ngày 2/8.
Nguồn cung dầu dôi dư, nhu cầu suy yếu tiếp tục là những nguyên nhân chính đẩy giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch 2/8. Đây cũng là phiên đầu tiên kể từ tháng 4 giá dầu Mỹ rơi dưới ngưỡng 40 USD/thùng.
Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2016 giảm 55 xu Mỹ xuống còn 39,51 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10/2016 cũng giảm 34 xu Mỹ xuống 41,80 USD/thùng.
Theo giới phân tích, mùa cao điểm đối với nhu cầu về dầu của thị trường Mỹ sắp trôi qua, bởi tháng 9 đánh dấu thời điểm kết thúc của mùa Hè - thời gian người Mỹ di chuyển nhiều bằng phương tiện giao thông. Do đó, nhu cầu dầu mỏ tại Mỹ trong thời gian tới sẽ giảm.
Trong khi đó, ông Hussein Sayed, chuyên gia phân tích thuộc FXTM, cũng nhận định nguồn cung dầu mỏ từ các nước Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang ở mức cao kỷ lục trong khi số lượng giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ cũng tiếp tục tăng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung dầu mỏ toàn cầu.
Dự kiến, trong ngày 3/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu chính thức về lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 29/7.
Tương tự giá dầu, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đi xuống trong phiên giao dịch ngày 2/8 giữa bối cảnh giá cổ phiếu của ngành sản xuất ô tô sụt giảm mạnh, do báo cáo mới nhất từ các hãng chế tạo ô tô đều ghi nhận doanh số bán tăng chậm lại trong tháng 7 vừa qua.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5%, xuống 18.313,77 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 0,6%, xuống 2.157,03 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng hạ 0,9%, xuống 5.137,73 điểm.
Trước đó cùng ngày, một loạt hãng chế tạo ô tô tại Mỹ đã công bố báo cáo tình hình kinh doanh trong tháng 7, qua đó cho thấy hầu hết doanh số bán giảm so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, doanh số bán của General Motors (GM) giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, Toyota giảm 1,4% và Ford giảm 3%. Sự suy giảm này đe dọa tới nguy cơ dứt chuỗi 6 năm tăng liên tiếp doanh số bán ô tô của Mỹ.
Ngoài ra, giá cổ phiếu của các tập đoàn bán lẻ cũng đua nhau hạ trong phiên cùng ngày do dự báo kém lạc quan về doanh số bán trong mùa Hè này.
Cổ phiếu ngành hàng không cũng diễn biến ảm đạm khi Delta Air Lines thông báo doanh thu từ việc vận chuyển hành khách của hãng đã giảm tới 7% trong tháng 7 vừa qua. Giá cổ phiếu của Delta giảm 7,8%, American Airlines lùi 5,9%, còn United Continental mất 6,3%.
Không nằm ngoài xu hướng trên, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chìm trong "sắc đỏ", dẫn đầu là đà giảm của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Thêm vào đó, nỗi thất vọng về quy mô chương trình kích thích kinh tế của Nhật Bản cũng tạo sức ép lên thị trường cổ phiếu.
Khép lại phiên này, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,7%, xuống 6.645,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris cũng mất 1,8%, xuống 4.327,99 điểm. Trong khi đó, chỉ số DAX 30 của Đức hạ 1,8% và chốt phiên ở mức 10.144,34 điểm.