Tìm hướng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

ThS. Nguyễn Thanh Nhã

Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Để hiện thực hóa con số này, bài toán tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển đang đặt ra cấp bách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tiễn này đòi hỏi cần có một kịch bản tổng thể để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn đang phát triển manh mún, thiếu chuyên nghiệp như hiện tại. Yêu cầu này đang kỳ vọng sớm được hiện thực hóa, khi đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bài bản đang được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng trình Bộ Tài chính xem xét ban hành.

Tiềm năng phát triển lớn

Với vai trò là cơ quan xây dựng Đề án hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đánh giá với quy mô toàn thị trường TPDN Việt Nam hiện đạt khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 2,5% GDP, tiềm năng phát triển của thị trường TPDN còn rất lớn.

Mặt khác, các DN đang ngày càng có nhu cầu cao trong tìm kiếm nguồn vốn mới ngoài kênh vốn tín dụng, để phát triển sản xuất, kinh doanh. Khác với nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn qua kênh TPDN có thời hạn trả nợ kéo dài, chi phí hợp lý, nên giúp DN hoạch định chiến lược kinh doanh chủ động trong trung và dài hạn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thiểu áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

Tiềm năng phát triển của thị trường TPDN còn lớn, nhưng hiện đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Cụ thể, thị trường TPDN Việt Nam hiện còn quá nhỏ, ít trái phiếu của DN giao dịch và niêm yết. Các DN khi cần huy động vốn vẫn thường vay của ngân hàng, chưa xem trái phiếu và vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư cá nhân là những kênh huy động vốn cho mình.

Nhiều DN vẫn thực hiện việc huy động vốn thông qua các hoạt động vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, mà chưa ý thức rằng các hoạt động đó làm gia tăng đáng kể rủi ro cho chính DN. Chỉ một số ít DN có kế hoạch và cấu trúc chiến lược tài chính một cách bài bản.

Nhiều ngân hàng và DN đang xem TPDN như là một khoản vay, tức là DN phát hành và ngân hàng mua toàn bộ. Cách tiếp cận này chưa đủ rộng. Do vậy, cần nhìn nhận TPDN là một sản phẩm chứng khoán mà nhiều đối tượng có thể mua được như các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, các cá nhân và tổ chức có nguồn tiền nhàn rỗi…

Hiện trạng trên thị trường thứ cấp cũng không mấy tích cực, khi số liệu giao dịch trên thị trường niêm yết được thống kê cho thấy, hoạt động giao dịch TPDN tại sở giao dịch chứng khoán rất thấp. Nếu như giá trị giao dịch năm 2013 là 4.886 tỷ đồng, thì năm 2014 và 2015 lần lượt là: 3.222 tỷ đồng, 4.850 tỷ đồng.

Thanh khoản của TPDN trên thị trường thứ cấp thấp, ngoài lý do hệ thống nhà đầu tư đơn điệu, sức cầu hạn chế, còn do Việt Nam chưa hình thành thị trường định mức tín nhiệm DN, cũng như TPDN. Vì nhà đầu tư không thể tự mình định hạng TPDN để trên cơ sở đó đánh giá được rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư, nên họ e ngại tham gia thị trường TPDN.

Bên cạnh đó, TPDN được coi là một công cụ tín dụng, nên rất ít giao dịch mua bán được thực hiện. Hệ thống chính sách đối xử với hoạt động đầu tư vào TPDN của các ngân hàng thương mại - nhà đầu tư chủ lực trên thị trường, như là hoạt động cấp tín dụng, trong khi về bản chất không phải như vậy.

Cấp tín dụng là nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ, còn phát hành, đầu tư TPDN là hoạt động trên thị trường vốn... Vì nhìn nhận chưa đúng bản chất mà nhà quản lý đưa ra những quy định mang tính hạn chế hoạt động đầu tư vào TPDN đối với các tổ chức tín dụng.

Một nguyên nhân nữa khiến thị trường TPDN Việt Nam còn chưa phát triển là nhà đầu tư trên thị trường hiện đơn điệu, bởi phần lớn là các ngân hàng thương mại, chỉ một số ít là các công ty bảo hiểm, công ty tài chính. Điều này tác động không tích cực đến sự phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp của thị trường TPDN.

Ngoài ra, TPDN niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán có quy mô rất ít; Hệ thống văn bản pháp lý về niêm yết chưa đủ rộng và sâu, để tạo thuận lợi cho hoạt động niêm yết, lưu ký và thanh toán giao dịch TPDN; Hệ thống thông tin TPDN chưa được hình thành từ sơ cấp đến thứ cấp...

Sự kém phát triển của thị trường TPDN còn do hệ thống pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường. Hiện tại phát hành TPDN dưới hình thức đại chúng còn hạn chế do hệ thống pháp lý liên quan chưa đầy đủ, phù hợp. Bất cập này hình thành từ hai lý do chính: tổ chức phát hành TPDN là các DNNVV, nên không đạt đủ yêu cầu cho việc phát hành đại chúng; phát hành TPDN còn mang hình thức tín dụng.

Sự khác biệt lớn nhất hiện nay giữa hai hệ pháp lý phát hành đại chúng và phát hành riêng lẻ nằm ở khái niệm phát hành đại chúng quy định tại Luật Chứng khoán với nội dung, đó là chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet; chào bán chứng khoán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định.

Trong 3 trường hợp này, TPDN hầu như không thể đạt được số lượng chào bán cho trên 100 nhà đầu tư. Do vậy, việc phân định hình thức phát hành đại chúng hay riêng lẻ chủ yếu nằm tại khái niệm “Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet”.

Theo đó, TPDN phát hành riêng lẻ không được công bố thông tin trên Internet để kêu gọi nhà đầu tư. Đây là sự khác biệt so với thị trường khu vực, khi các quốc gia đều cố gắng minh bạch hóa thông tin này.

Đi tìm giải pháp

Để khắc phục những bất cập trên, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển, hiệu quả hơn trong thời gian tới cần hoàn thiện khung pháp lý, cũng như triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp ngay khi các chính sách mới được ban hành và có hiệu lực.

Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN và văn bản hướng dẫn đi kèm. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; cần có các chính sách ưu đãi về tài chính, thuế để khuyến khích nhà đầu tư tham gia giao dịch TPDN.

Cùng với khẩn trương hoạch định và xây dựng lộ trình triển khai thị trường giao dịch thứ cấp TPDN trong chiến lược chung về phát triển thị trường chứng khoán, xây định cụ thể các mục tiêu định tính, định lượng và giải pháp triển khai, cần xây dựng cơ chế hướng dẫn về tổ chức giao dịch, thành viên và công bố thông tin trên thị trường TPDN...

Chú trọng tổ chức phát triển hạ tầng cơ sở để phát hành TPDN, niêm yết, giao dịch, công bố thông tin; đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ đối với TPDN; giám sát các hoạt động giao dịch, công bố thông tin trên thị trường TPDN của các thành viên giao dịch, nhà đầu tư…

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả giám sát, nâng cao tính minh bạch của các tổ chức phát hành, bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Các tổ chức tư vấn phát hành cần làm việc chặt chẽ với tổ chức phát hành trong việc chuẩn hóa hồ sơ trái phiếu, tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế với thông tin minh bạch hơn;

Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để hạn chế các tổ chức phát hành những trái phiếu không đủ chất lượng, tổ chức phát hành yếu kém. Các công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn nên có nhiều hơn các báo cáo đầu tư, phân tích thị trường trái phiếu, cũng như đánh giá, xếp hạng chất lượng tổ chức phát hành trái phiếu, không nên chỉ xoay quanh cổ phiếu như hiện nay.

Việc phát triển thị trường TPDN một cách bài bản, chuyên nghiệp, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong hỗ trợ hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN, mà còn giúp thị trường tài chính phát triển ngày càng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Đặng Tấn Tài, Phát triển thị trường TPDN tại Việt Nam, 2009;

2. Báo cáo TPDN 2015, Công ty chứng khoán Vietcombank;

3. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2016-06-10/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-co-hoi-lon-can-khoi-thong-32489.aspx.