Giá dầu sẽ tăng vì tâm lý chần chừ của vùng Vịnh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Những thông tin về sự phát triển của ngành dầu khí đá phiến ở Mỹ tưởng sẽ giúp cho giá dầu hạ nhiệt. Trái lại, giá mặt hàng này trên thị trường đang có nguy cơ tăng cao do tình trạng khan hiếm dầu. Nguyên nhân là bởi các nhà sản xuất chủ chốt tại vùng Vịnh đang trì hoãn đầu tư vì muốn chờ xem cuộc cách mạng đá phiến ở Mỹ sẽ diễn biến như thế nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong một cảnh báo rõ ràng nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nói rằng, các nhà sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh đang thực hiện phương pháp tiếp cận án binh bất động, chờ thời cơ để đầu tư bởi họ cho rằng, cuộc cách mạng dầu khí đá phiến ở Mỹ có thể sản sinh một lượng dầu mỏ dồi dào.

Nhà kinh tế hàng đầu của IEA Fatih Birol nói: “Tôi thực sự lo ngại về việc chúng ta đang gửi đi những tín hiệu sai tới Trung Đông, dẫn tới tình trạng bê trễ đầu tư, vốn đang rất cần thiết vào lúc này”. Theo ông Birol, tâm lý chờ đợi của các nhà sản xuất chủ chốt tại vùng Vịnh rõ ràng không có lợi cho người tiêu dùng và các thị trường dầu mỏ toàn cầu vì điều đó đồng nghĩa với việc giá dầu mỏ sẽ tăng cao hơn trong tương lai.

Những phát biểu của ông Birol được đưa ra cùng lúc với việc IEA công bố báo cáo thường niên về triển vọng thị trường năng lượng. Chính dự báo của IEA hồi năm ngoái nhận định Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu mỏ đá phiến vào năm 2030 đã khiến hoạt động khai thác dầu từ đá phiến thu hút sự chú ý toàn cầu. Tuy nhiên, năm nay, IEA đã giảm nhẹ nhận xét này khi nói rằng, có sự tăng trưởng trong ngành khai thác dầu từ đá phiến tại Mỹ, thay vì dùng từ “một cuộc cách mạng”.

IEA vẫn kỳ vọng sản lượng dầu tại Mỹ sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của thế giới vào dầu mỏ ở Trung Đông trong ngắn hạn khi báo cáo mới nhất của cơ quan này dự đoán Mỹ sẽ vượt qua Ảrập Xêút trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2015, sớm hơn 2 năm so với dự báo cách đây 12 tháng. Tuy vậy, IEA cũng dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ lên đến mức đỉnh điểm vào năm 2020 và giảm dần sau đó, cho dù nhu cầu toàn cầu tiếp tục tăng, từ mức 90 triệu thùng/ngày hiện nay lên mức 101 triệu thùng/ngày vào năm 2035.

Ngoài Mỹ, sản lượng dầu đá phiến dự kiến chỉ đóng góp cho nguồn cung khoảng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2035, do những nước như Nga và Trung Quốc mới chỉ đạt được những thành công hạn chế trong việc khai thác trữ lượng tài nguyên đá phiến của họ. Điều này sẽ khiến thị trường một lần nữa phải phụ thuộc vào dầu thô từ các ông lớn trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà trong đó, các thành viên chủ chốt là các nước vùng Vịnh.

Trong năm nay, sản lượng dầu khai thác của Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Kuwait đều đã lên mức kỷ lục để bù vào sự thiếu hụt từ các thành viên OPEC khác là Libya và Nigeria. IEA dự báo, nhu cầu nội địa tại khu vực Trung Đông sẽ lên tới 10 triệu thùng/ngày vào năm 2035, tương đương với lượng dầu tiêu thụ của Trung Quốc hiện nay, nhờ các chính sách trợ giá xăng dầu và điện cho dù nhu cầu bên ngoài đối với dầu mỏ từ vùng Vịnh tăng.

Theo nhà kinh tế Birol, các nước vùng Vịnh cần đầu tư thích đáng ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu gia tăng sau năm 2020 bởi các dự án cũng phải mất vài năm thực hiện mới có thể cho ra sản phẩm. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng dường như các nước vùng Vịnh đang hiểu nhầm tác động từ sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ. Rõ ràng trong những năm gần đây, khi sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tăng nhanh chóng thì cũng là lúc các nhà sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh xuất hiện tâm lý chần chừ đầu tư vào các dự án khai thác mới.

Ảrập Xêút hướng tới mục tiêu duy trì công suất khai thác 2,5 triệu thùng/ngày và nước này đã đầu tư lớn để bắt đầu khai thác dầu từ giếng dầu khổng lồ Manifa nằm ngoài khơi trong năm nay. Tuy nhiên, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới này đã giảm bớt sản lượng khai thác tại các mỏ dầu khác.

Nhìn tổng thể, Ảrập Xêút không có kế hoạch tăng sản lượng khai thác trong vòng 30 năm tới vì cho rằng, các nguồn cung mới từ đá phiến Mỹ cho tới dầu cát của Canada sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, có tin cho biết, UAE đã lùi mục tiêu tăng công suất khai thác lên 3,5 triệu thùng/ngày từ năm 2017 sang năm 2020. Còn Kuwait đang chật vật đối phó với suy giảm sản lượng nhanh chóng từ các mỏ dầu hiện có.