Giá dầu sụt giảm thê thảm trước thềm cuộc họp sản lượng quan trọng của OPEC+
Nhiều người tin rằng dù rằng dự trữ dầu của nhiều chính phủ được xả ra, việc giá dầu sụt giảm thê thảm và nỗi lo đại dịch chưa qua sẽ khiến cho OPEC rút lại kế hoạch tăng sản lượng.
Cảnh báo của Nam Phi về biến chủng COVID-19 mới có khả năng lây nhiễm mạnh đã gây tổn hại nặng nề đến ngành năng lượng Mỹ, điều này đã dẫn đến việc giá dầu giảm sâu nhất tính từ khi kinh tế toàn cầu bắt đầu rơi vào trạng thái phong tỏa vào đầu năm ngoái.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu giảm khoảng hơn 11%. Giá xăng và dầu diesel tương lai giảm hơn 12%. Cổ phiếu năng lượng giảm sâu đồng thời kéo các chỉ số chứng khoán chính đi xuống mạnh.
Việc giá dầu và chứng khoán suy giảm mạnh cho thấy những nỗi sợ về khả năng hoạt động đi lại và kinh tế của người dân trên thế giới trong mùa đông năm nay có thể bị hạn chế bởi biến chủng COVID-19 mới cũng như các đợt bùng dịch có thể xảy ra.
Giá dầu giảm rất sâu trong ngày thứ Sáu cũng đảo chiều xu thế tăng của giá nhiên liệu đi lại. Trong thời gian qua, chi phí năng lượng tăng mạnh đã ảnh hưởng xấu đến túi tiền của người dân.
Đầu tuần này, Mỹ và nhiều nước khác đã cùng kết hợp để xả kho dầu dự trữ chiến lược trong nỗ lực kiềm chế giá dầu tăng nóng và làm giảm áp lực lạm phát lên người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Giá dầu thô và các loại nhiên liệu, ví như xăng và dầu diesel, không có nhiều thay đổi bởi khả năng sẽ có thêm nguồn cung ra thị trường. Tuy nhiên vào ngày thứ Sáu, khả năng hạn chế đi lại và người lao động làm việc ở nhà trở nên gần hơn, nhiều nhà kinh doanh trên thị trường năng lượng nghĩ rằng nhu cầu, chứ không phải nguồn cung, sẽ đi xuống trong mùa đông năm nay.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, ông Craig Erlam, nhận xét: “Ngay cả nếu không có biện pháp hạn chế mạnh tay, người ta sẽ vẫn thận trọng, yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu”.
Việc cổ phiếu và dầu bị bán mạnh trong ngày thứ Sáu đen khiến người ta nhớ lại kịch bản của 7 năm trước đây khi mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã chính thức “khơi mào” cho cuộc chiến giá dầu với Mỹ, cuộc đối đầu này đã gây ra nhiều tác động nặng nề đến mức ngay cả đến hiện tại, các công ty dầu đá phiến tại Mỹ vẫn chưa thể hồi phục hoạt động.
Cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp lọc dầu, sở hữu giàn khoan dầu, vận hành đường ông và sản xuất dầu đều giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu. Cổ phiếu năng lượng mất điểm sâu nhất trong nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500, giảm 4% so với mức giảm 2,3% của thị trường nói chung.
Tại London, cổ phiếu BP PLC và Royal Dutch Shell PLC giảm lần lượt 7,9% và 5,7%. Tại thị trường New York, cổ phiếu Halliburton và cổ phiếu Exxon Mobile giảm 6,8% và 3,5%. Cổ phiếu nhiều công ty sản xuất dầu đá phiên chịu ảnh hưởng nặng nề, cổ phiếu Callon Petroleum, Laredo Petroleum và Centennial Resources Development đều mất hơn 13%.
Giá dầu thô giao hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ mất 13,1% xuống còn 68,15USD/thùng còn giá dầu Brent, loại dầu chuẩn của quốc tế, hạ 11,6% xuống còn 72,72USD/thùng. Việc giá dầu đảo chiều mạnh không khỏi khiến nhiều chuyên gia phải điều chỉnh lại kỳ vọng trước thềm cuộc họp vào tuần sau tại Vienna – Áo của các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng như các nước đồng minh vốn được biết đến với cái tên OPEC+.
Nhiều người tin rằng dù rằng dự trữ dầu của nhiều chính phủ được xả ra, việc giá dầu sụt giảm thê thảm trong ngày thứ Sáu và nỗi lo đại dịch chưa qua sẽ khiến cho OPEC rút lại kế hoạch tăng sản lượng.