Giá dầu tăng mạnh do OPEC giảm cung

Theo Diệp Vũ/vneconomy.vn

Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạn chế sản lượng và kỳ vọng lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm lấn át mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng yếu đi do kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,76 USD/thùng, tương đương tăng hơn 1,1%, chốt ở 67,97 USD/thùng.

Giá dầu WTI tại thị trường New York chốt phiên với mức tăng 1 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, đạt 59,94 USD/thùng.

Theo hãng tin CNBC, giá dầu Brent - mốc tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã tăng khoảng 25% từ đầu năm đến nay, chủ yếu nhờ việc OPEC và đồng minh gồm Nga giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, nguồn cung dầu cũng bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.

"Có vẻ như mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi đã bị gạt sang một bên", nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank nhận đinh. "Thay vào đó, thị trường đang dồn sự chú ý vào sự thắt chặt của nguồn cung".

Kỳ vọng tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục giảm cũng hỗ trợ giá "vàng đen" trong phiên này. Gần đây, tồn kho dầu của Mỹ có những tuần giảm mạnh, một dấu hiệu cho thấy nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC đã phát huy tác dụng ngăn chặn sự gia tăng của nguồn cung dư thừa.

Ngoài ra, giá dầu trong phiên giao dịch ngày thứ Ba còn được hỗ trợ bởi một đợt mất điện mới ở Venezuela. Đây là đợt mất điện thứ hai ở nước này trong tháng 3, làm dấy lên những mối lo về xuất khẩu dầu của quốc gia Nam Mỹ.

Tuy nhiên, những mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi đã hạn chế đà tăng của giá "vàng đen". Gần đây, các số liệu của ngành sản xuất ở châu Á, châu Âu và Mỹ đều cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế.

Mối lo của giới đầu tư về kinh tế toàn cầu đã gia tăng đáng kể từ hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi dữ liệu gây thất vọng về hoạt động của các nhà máy ở Đức và Mỹ dẫn tới sự đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Sự đảo ngược này được xem như một chỉ báo cho thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

"Rủi ro suy thoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008", ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản thuộc Saxo Bank, nhận định.