Giá dầu thế giới sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm?
Từ nay đến cuối năm có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá tăng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm.
Đó là nhận định của TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/9.
Giá dầu có khả năng tăng trở lại sau khi giảm sâu
Đánh giá về diễn biến của giá dầu thế giới thời gian qua, TS. Lương Văn Khôi cho rằng, giá dầu biến động phức tạp trong những tháng đầu năm 2022. Sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra, giá dầu tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng đột biến khoảng 60% và đạt đỉnh của 14 năm vào tháng 3/2022, có thời điểm vượt mốc 120 USD/thùng.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá tất cả các loại năng lượng leo thang, kéo theo lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất.
Mặc dù vậy, ông Khôi cho biết, giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tính tới ngày 6/9/2022, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh vào tháng 3/2022. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 93 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang ở mức cao so với những năm trước.
Theo ông Khôi, giá dầu thế giới vừa qua giảm do ảnh hưởng của 4 yếu tố gồm cung sản lượng (của OPEC+, Nga, Iran…), triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới, biến động địa chính trị thế giới và biến động giá của các đồng tiền mạnh trên thế giới.
Trong đó, nguồn cung dầu những tháng qua đã được cải thiện. Các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới đã đồng ý tăng sản lượng khai thác để giúp giảm giá tăng cao. Cụ thể, các thành viên của nhóm các nước xuất khẩu mỏ OPEC + (bao gồm cả Nga) đã tăng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8/2022, đồng thời thỏa thuận tăng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhu cầu dầu giảm và kéo giá dầu thế giới đi xuống. Đặc biệt một số nền kinh tế lớn như Mỹ đã có hai quý tăng trưởng âm, Nhật Bản cũng tăng trưởng âm trong quý 2/2022 và kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý 2 - mức thấp nhất trong hai năm qua do ảnh hưởng của chính sách zero-COVID.
Việc ngân hàng trung ương các nước lớn như Mỹ, EU,… tăng lãi suất ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và khiến giá dầu thế giới giảm.
Đồng thời, theo ông Khôi, khả năng Mỹ và Iran khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 khi đó khả năng sẽ có thêm nguồn cung từ Iran và khiến giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ không xem xét việc tiếp tục nhượng bộ Iran để đáp lại một dự thảo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran và khả năng xuất khẩu dầu thô của thành viên OPEC.
"Những yếu tố trên cho thấy giá dầu vẫn có khả năng giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Giá dầu có thể giảm hơn nữa nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh theo đề xuất của EU, theo đó xuất khẩu xăng dầu tiềm năng của Iran có thể tăng ít nhất 1 triệu thùng/ngày", ông Khôi đánh giá.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vị chuyên gia cho rằng, khả năng giá dầu tăng trở lại trong quý 4 cũng khá cao do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, nhu cầu có thể tăng vào mùa đông khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu.
Thứ hai, Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu.
Thứ ba, nguồn cung đang tăng chậm lại. Bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu từ hơn 600 nghìn thùng/ngày vào tháng 7 và 8/2022 xuống còn hơn 100 nghìn thùng/ngày vào tháng 9. Ngày 5/9/2022, OPEC+ đã đồng thuận về việc sẽ giảm nhẹ sản lượng từ tháng 10/2022, khoảng 100.000 thùng/ngày trước những lo lắng về giá cả trượt dốc, nhu cầu yếu ở Trung Quốc và các cuộc đàm phán với Iran.
"Việc cắt giảm sản lượng chỉ chiếm khoảng 0,1% nhu cầu toàn cầu nên sẽ có rất ít tác động thực tế đến nguồn cung. Nhưng điều này cho thấy OPEC+ đang quyết tâm bảo vệ mức giá khoảng 100 USD/thùng", ông Khôi đánh giá.
Thứ tư, số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung có khả năng thu hẹp. Theo EIA, đến ngày 19/8, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,3 triệu thùng, còn tiêu thụ nhiên liệu thực tế tại Mỹ giảm mạnh 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng.
Thứ năm, căng thẳng Nga – Ukraine, cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh.
Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga và các đòn trừng phạt từ EU trong đó EU ngừng nhập khẩu ngay lập tức 2/3 dầu thô từ Nga đã khiến Nga xoay trục sang thị trường Ấn Độ và Trung Quốc. Như vậy, về cơ bản lượng cung từ Nga không giảm nhưng do tác động tiêu cực tới kinh tế EU khiến kinh tế thế giới nói chung suy giảm, khiến nhu cầu về dầu giảm nên về tổng thể sẽ khiến giá dầu thế giới giảm.
Từ những phân tích trên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia dự báo giá dầu thế giới có nhiều khả năng sẽ tăng trở lại sau khi giảm sâu, ít nhất là trong ngắn hạn khi mùa đông sắp tới.
"Từ nay đến cuối năm có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể có thể thấy giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm", ông Khôi dự báo.
Sang năm 2023, ông Khôi cho rằng giá dầu dự báo sẽ giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch.
Về giá xăng dầu trong nước, TS.Lương Văn Khôi đánh giá vẫn sẽ phụ thuộc vào biến động theo giá xăng dầu thế giới do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, diễn biến giá xăng dầu trong nước cũng sẽ phụ thuộc vào các chính sách điều hành của cơ quan quản lý, trong đó có việc điều chỉnh các sắc thuế.
Biên lớn vùng 60 – 90 USD/thùng
Cùng đưa ra đánh giá về diễn biến của giá xăng dầu thời gian gần đây, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá dầu rõ ràng đang ở trong xu hướng giảm. Giá dầu WTI và Brent đã giảm khoảng 25% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6 và đang có dấu hiệu sẽ tiếp tục giảm thêm, sau khi dầu WTI đã ở dưới 90 USD/thùng và dầu Brent cũng chuẩn bị giảm dưới mốc này.
Theo ông Dũng, trong những tháng cuối năm giá dầu sẽ vẫn suy yếu nhưng không thể giảm quá nhiều.
"Khi giá thế giới giảm đến vùng 60 – 70 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPEC+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu từ Nga chủ yếu đến từ dầu thô, nên giá dầu thấp sẽ tạo ra những căng thẳng địa chính trị và qua đó gián tiếp hỗ trợ giá không giảm sâu hơn. Theo tôi giá dầu có thể sẽ ở vùng giá 60 – 90 USD/thùng trong quý 4 năm nay", ông Dũng dự báo.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, rất khó để có thể dự đoán giá dầu thời gian tới vì các căn cứ để dự đoán đều rất bất định, chẳng hạn xung đột Nga-Ukraine không biết kéo dài đến bao giờ hay các biện pháp trừng phạt cũng chưa thể lường trước được.
"Ngay cả mức giá dao động từ 60-90 USD/thùng mà ông Dũng nêu ra ở trên cũng cho thấy biên độ dao động khá lớn. Do đó việc cần làm là tính toán các chính sách để đối phó với những bất định chứ không phải là sự tăng hay giảm của giá dầu", ông Hiếu nêu quan điểm.