Ứng phó thế nào trước biến động bất thường của giá dầu thế giới?
Dưới tác động của chiến sự Nga - Ukraine, dịch COVID-19…, dự báo sẽ tiếp tục có những biến động mạnh về giá và nguồn cung dầu thô thế giới. Theo đó, nhiều kiến nghị Nhà nước nên duy trì các chính sách hỗ trợ giảm thuế với mặt hàng xăng dầu tới hết quý II/20223, cũng như doanh nghiệp xăng dầu có thể sử dụng công cụ bảo hiểm giá khi giao dịch mặt hàng này...
Tổng cục Thống kê cho hay, giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Giá dầu ảnh hưởng tới giá thành các nguyên liệu đầu vào sản xuất, trực tiếp tác động tới nền kinh tế.
Kiến nghị chính sách giảm giá xăng dầu kéo dài tới quý II/2023
Thời gian gần đây, nhờ can thiệp công cụ thuế nên giá xăng trong nước “hạ nhiệt”, song giá dầu diesel lại đang có xu hướng tăng mạnh. Thống kê trong 2 kỳ điều hành gần đây (ngày 22/8 và 5/9), giá dầu diesel tăng 2.280 đồng/lít. Đáng chú ý, kỳ điều hành ngày 5/9 đã đưa giá mặt hàng này lần đầu tiên vượt giá xăng, điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam.
Việc giá dầu tăng mạnh đang ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động vận tải, cũng như làm “đội" chi phí vận hành của các loại máy móc phục vụ sản xuất công, nông nghiệp sử dụng dầu diesel.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logisitics Việt Nam, cho hay giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics; phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.
Do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, nhận định: “Giá dầu từ nay đến cuối năm 2022 có thể tăng nhẹ. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, thì cần kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành, tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết”.
Theo ông Khôi, định lượng tác động của giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine cho thấy, với giả định giá dầu thế giới tăng 40 USD/thùng, cùng với rủi ro đầu tư tại Nga tăng 4 điểm %, tại Ukraine tăng 2 điểm % và tại EU tăng 0,5 điểm %; Chi tiêu Chính phủ của EU cho các nước ngoài EU tăng 0,5% GDP; Xuất khẩu của Nga và các nước phát triển trong EU giảm 30 điểm % năm 2022… thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,84 điểm % so với mức tăng trưởng khi không có xung đột Nga - Ukraine xảy ra; lạm phát tại Việt Nam tăng thêm 1,8 điểm % trong năm 2022 và tăng 1,62 điểm % trong năm 2023.
Nhận định kinh doanh xăng dầu ở thời điểm khi giá thế giới “nhảy múa” thì rủi ro rất lớn, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, kiến nghị các chính sách hỗ trợ giảm giá xăng dầu đang được thực hiện như giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế nhập khẩu xăng cần được duy trì hết quý II/2023, để các doanh nghiệp tiếp tục có thời gian cải thiện hiệu quả hoạt động bằng nhiều biện pháp và dự phòng được rủi ro cho các hoạt động liên quan tới biến động giá nhiên liệu.
Sớm đồng bộ chính sách để sử dụng bảo hiểm giá dầu
Với mặt hàng dầu diesel, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để kéo giá mặt hàng này xuống, bởi vận tải hàng hóa chủ yếu sử dụng dầu diesel. Trong bối cảnh giá dầu diesel thế giới có biến động bất thường, giá dầu diesel trong nước liên tiếp tăng sẽ đẩy cước vận tải lên cao.
Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp bộ phận thương mại và cung ứng dầu thô, thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), nhận định hiện nay nguồn cung dầu mỏ trên thế giới có nhiều quan ngại, Tổ chức OPEC cắt giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày vào tháng 10 tới. Sản lượng dầu của OPEC+ vào khoảng 26,9 triệu thùng/ngày, số liệu này cho thấy nguồn cung khá hạn chế.
“Ngoài ra, nguồn cung đối với các sản phẩm từ dầu và khí từ Nga rất đáng quan ngại. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đối với giá dầu mà toàn bộ ngành năng lượng nói chung", ông Kenya Maeda chia sẻ.
Theo đó, ông Kenya Maeda cho rằng để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần có một chuỗi cung ứng mạnh mẽ với hệ thống các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ. Điều này sẽ giúp Việt Nam chủ động ứng phó với các biến động giá dầu bất thường của thế giới.
Đồng quan điểm, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh Việt Nam cần sớm đầu tư các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ để giúp chủ động ứng phó với các biến động bất thường về giá dầu thế giới có thể tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam; nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu cả trong và ngoài nước…
Trong khi đó, với vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chia sẻ trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.
“Vì thế, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các Bộ ban ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả”, ông Dũng nêu ý kiến.