Đề xuất tiếp tục giảm nhiều sắc thuế, ứng phó với kịch bản giá dầu tăng cao
Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Giá dầu biến động thất thường gây khó cho kinh tế Việt Nam
Tại tọa đàm "Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển", do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9, ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá dầu thế giới kể từ cuối năm 2021 đến nay đã tăng liên tục, từ mức 75 USD/thùng vào cuối tháng 12/2021, vượt mốc 100 USD vào 1/3/2022 sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine.
Giá dầu thiết lập ở mức đỉnh vào 8/3/2022 khi lên tới gần 140 USD/thùng - sau khi Mỹ chính thức cấm vận nhập khẩu nhiên liệu của Nga. Sau đó giá dầu dao động trong khoảng 100-126 USD/thùng từ tháng 4 đến đầu tháng 9/2022.
Ông Tuấn Anh dự báo giá dầu thế giới thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Điều này cũng tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Bởi, từ năm 2015, Việt Nam là nước nhập khẩu năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016-2020.
"Giá dầu tăng giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu thô; tạo điều kiện thuận lợi để ngành dầu khí triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, mặt không thuận sẽ nhiều hơn, như cản trở phát triển kinh tế, gây áp lực lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát, khiến chi phí đầu tư sản xuất tăng cao; gây khó khăn cho xuất khẩu và làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP", ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Lê Quang Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, đối với hoạt động vận tải, chi phí nhiên liệu là chi phí lớn, chiếm tỉ trọng từ 30 - 40% chi phí khai thác tàu.
Do đó, giá nhiên liệu liên tục tăng cao sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa vực dậy sau đại dịch COVID-19.
"Giá nhiên liệu tăng không có nghĩa sẽ tăng được giá cước theo tỉ lệ tương ứng, nhất là khi mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, giá cước vận chuyển phụ thuộc nhiều vào quy luật cung cầu trên thị trường", ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, đối với các dịch vụ vận tải và tàu biển chạy tuyến nội địa, thông thường giá nhiên liệu trong nước cao hơn so với giá nhiên liệu ở nước ngoài. Do vậy các doanh nghiệp chỉ đơn thuần kinh doanh trong nước hoặc các tàu chỉ hoạt động tuyến nội địa sẽ gặp rất nhiều áp lực về chi phí nhiên liệu tăng.
Tìm kịch bản ứng phó cho những biến động ‘khôn lường’ của giá dầu
Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.
Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản trong ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới, ông Kenya Maeda - Chuyên gia cao cấp bộ phận thương mại & cung ứng dầu thô, thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn sẽ tăng; khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.
"Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng, cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”, ông Kenya nói.
Để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ông Tuấn Anh cho rằng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa.
Còn ông Lê Quang Trung cho hay, các doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá nhiên liệu trong nước, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (các loại thuế phí này chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá nhiên liệu).
Tiếp tục các biện pháp giảm thuế và ổn định giá xăng dầu ít nhất là hết quý II/2023 nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải logistics khôi phục và ổn định sản xuất.