Giá điện: Hãy để thị trường điều tiết!


Chia sẻ tại Tọa đàm “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, giới chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, giá điện bao cấp như hiện nay sẽ làm hỏng cơ chế thị trường. Đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện cho đúng, cho đủ. Hãy để thị trường điều tiết!

Các chuyên gia đánh giá, sự bao cấp giá điện sẽ làm hỏng cơ chế thị trường. Ảnh minh họa
Các chuyên gia đánh giá, sự bao cấp giá điện sẽ làm hỏng cơ chế thị trường. Ảnh minh họa

Giá điện thấp: Tốt hay không tốt cho thị trường?

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, để bảo đảm sự hài hòa mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc bao cấp, bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất với giá điện các mục tiêu xã hội, an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra.

Bình luận vấn đề này, PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - chỉ rõ, thực tế hiện nay, giá bán điện vẫn còn mang màu sắc bao cấp, bù trì. Trong khi mấy năm gần đây, chi phí sản xuất điện tăng rất cao, các điều kiện đầu vào như vốn, tỷ giá hối đoái, giá các năng lượng khác… đều tăng cao nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp, chỉ tăng hầu như không đáng kể.

 Thời gian tới, chúng ta tiến lên thị trường, cạnh tranh quốc tế mà đặt một mặt bằng giá như thế này thì đúng là khái niệm lằn ranh đỏ phải đặt ra. Tới đây, phải đặt câu chuyện này nghiêm túc hơn nữa.

PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

“Tinh thần của chúng ta là hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, cách tư duy này trả giá bằng câu chuyện thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng” - ông Thiên nêu quan điểm.

Đáng chú ý, theo phân tích của PGS,TS. Trần Đình Thiên, giá điện thấp sẽ khiến tiêu dùng điện nhiều, sử dụng điện lãng phí. Đồng thời, giá quá thấp sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất điện. Khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác dụng, đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp, sẽ không có điện dùng.

PGS,TS. Trần Đình Thiên cho rằng, giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cần tách riêng vào phần an sinh xã hội, chứ không thể hạch toán vào giá điện như hiện nay bởi sự bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường.

Đồng quan điểm, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - ông Nguyễn Tiến Thỏa - bình luận, giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống người dân nhưng thực tế là khi chi phí đầu vào không được tính đúng, sản phẩm đầu ra sẽ không phản ánh đúng giá trị thị trường.

“Đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện cho đúng, cho đủ” - ông Thỏa nhấn mạnh.

Giá điện: Hãy để thị trường điều tiết! - Ảnh 1
Cần sửa Luật Điện và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ảnh minh họa

Đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Trước những vướng mắc nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Phan Đức Hiếu - thẳng thắn cho rằng, phải phân định giữa giá điện nói chung và các chính sách hỗ trợ khác bởi hai việc này không thể nhập vào làm một như hiện nay.

Phân tích rõ hơn về điểm nghẽn này, ông Hiếu nhấn mạnh 3 việc cần tập trung, đó là: phải rà soát quy định, tăng sự cạnh tranh trong sản xuất điện; phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối điện; các chính sách khi xây dựng phải thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng, đó là tiết kiệm điện.

Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên một lần nữa khẳng định, giá điện và việc hỗ trợ cho nhóm xã hội thu nhập thấp phải tách bạch càng rõ càng tốt. Khi đó, các doanh nghiệp ngành điện không phải gánh lỗ như hiện nay.

Để tách bạch giá điện và đảm bảo cho mọi người dân đều có thể sử dụng điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa khuyến nghị: Chúng ta cần sửa Luật Điện và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bởi khi đó, người tiêu dùng sẽ được phép lựa chọn đơn vị bán điện giá hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất.

“Nhà nước luôn luôn có chính sách hỗ trợ người dân ngoài giá điện. Chúng ta đừng nghĩ là trong giá điện phải có chính sách an sinh. Hãy để thị trường điều tiết” - ông Thỏa nêu quan điểm.

Chung quan điểm, ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, xây dựng chính sách giá điện cần tập trung việc tăng tính cạnh tranh. Các chi phí mềm trong sản xuất điện, phân phối điện, bán lẻ điện như thủ tục hành chính hay chi phí tuân thủ pháp luật cũng phải giảm.

“Cần tách bạch các chính sách và đưa ra chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ như đưa ra các chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện, chính sách thúc đẩy tiêu thụ điện xanh… làm sao đạt được mục tiêu hài hòa chung cho cả nền kinh tế” - ông Hiếu nêu rõ.

 

“Như chúng tôi có nói chuyện với một số nhà đầu tư về điện gió ngoài khơi chẳng hạn, họ có nói thẳng là: Việt Nam cũng không hẳn là “cô gái đẹp” trong bài toán đó. Nếu Chính phủ Việt Nam có những cơ chế phù hợp, đồng bộ, tạo điều kiện tối đa cắt giảm những chi phí liên quan đến vấn đề luật pháp, cấp phép… chúng tôi sẽ mang tiền đến đây đầu tư. Còn nếu không, chúng tôi có rất nhiều lựa chọn xung quanh” 

 TS. Hà Đăng Sơn - Chuyên gia năng lượng

Nhìn rộng ra, chuyên gia năng lượng- TS. Hà Đăng Sơn - nhấn mạnh, khi xây dựng chính sách giá điện mới, cần nhìn nhận tổng thể về thị trường năng lượng quốc tế khi đưa ra các ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường điện.

“Phải làm sao tạo điều kiện tốt nhất thu hút nhà đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố về an ninh năng lượng quốc gia. Tức là nếu có biến động xảy ra, cần phải đảm bảo được bao nhiêu % cung ứng năng lượng quốc gia, không thể “mở bung” toàn bộ. Một mặt tạo điều kiện để thu hút tối đa các nhà đầu tư tư nhân cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác vẫn phải đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia, để trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta vẫn có dự phòng nguồn điện” - ông Sơn khuyến nghị.

Thêm vào đó, các chuyên gia đều đồng thuận cho rằng, phải đẩy mạnh truyền thông chính sách, quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ câu chuyện giá điện.

Ngoài ra, các Bộ, ban, ngành cần đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách, góp phần thay đổi hành vi sử dụng điện của người dân, hướng đến khuyến khích người dân tiêu dùng tiết kiệm điện./.

Theo Báo Kiểm toán