Giá điện tăng 8,36%, lạm phát năm 2019 có bị ảnh hưởng?

Theo VnMedia

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, tác động mang tính lan tuyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng 8,36% vừa qua là có nhưng sẽ ở mức hạn chế.

  CPI tháng 3 có thể sẽ chỉ tăng nhẹ 0,1 – 0,3%. Nguồn: Internet
CPI tháng 3 có thể sẽ chỉ tăng nhẹ 0,1 – 0,3%. Nguồn: Internet

CPI tháng 3 sẽ chỉ tăng nhẹ 0,1 – 0,3%

Ngày 20/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).

Mức giá bán lẻ điện này nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017 và theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 mức tăng này do Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh.

Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc. Cụ thể, bậc 1 từ 0 - 50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201 - 300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301 - 400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.

Cũng theo Bộ Công Thương, với mức tăng 8,36%, khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng/tháng. Với bậc 2 dùng từ 51-100 kWh, mỗi tháng sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Với bậc 2, khách dùng từ 101-200 kWh/tháng thì phải trả thêm là 31.600 đồng; với bậc 4 (dùng từ 201-300 kWh/tháng) thì phải trả thêm 53.100 đồng.Với khách hàng dùng trên 400 kWh/tháng thì phải trả thêm trung bình 77.200 đồng.

Trong khi đó, đưa giá đánh giá về tác động của việc tăng giá điện vừa qua, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 và tháng 2/2019 có mức tăng lần lượt là 0,1% và 0,8%. 

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, mặc dù CPI có mức tăng khá mạnh trong tháng 2, nhưng không đáng lo ngại do ảnh hưởng chủ yếu bởi yếu tố mùa vụ (dịp Tết Nguyên Đán khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa gia tăng, đẩy mặt bằng giá tăng lên).

Tính toán của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho thấy, với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5%, thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3% (tác động vòng 1 mang tính trực tiếp nhất).

Do thời điểm tăng giá vào ngày 20/03 nên mức tăng 0,3% trên sẽ chỉ phân bổ một phần vào số liệu CPI của tháng 3, còn lại sẽ tiếp tục phản ánh trong tháng 4. Bên cạnh đó, sau khi đã tăng mạnh trong tháng 2, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm) nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong tháng 3 (điều thường thấy trong các năm gần đây).

Do vậy, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt dự báo, CPI tháng 3 sẽ chỉ tăng nhẹ 0,1 –0,3%.

Tác động tăng giá điện sẽ ở mức thấp

Theo thống kê của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, kể từ năm 2010 đến nay, giá điện bình quân đã được tăng 9 lần với mức tăng cao nhất thuộc về năm 2011 với 15,3%. Kể từ năm 2013 đến nay, giá điện đã được điều chỉnh thưa hơn và biên độ mỗi lần tăng cũng thấp hơn (5 - 9%). Trong quá khứ, tác động vòng 2 của giá điện lên mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong thời gian từ 3 - 6 tháng sau đó không thật sự rõ ràng (thậm chí có những năm CPI vẫn giảm dù giá điện tăng như 2015).

Theo quan sát của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, những năm CPI tăng mạnh mà có sự điểu chỉnh giá điện (giai đoạn 2010 - 2011) thì ngoài giá điện ra, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh.

“Trong giai đoạn hiện tại, các yếu tố liên quan đến cung - cầu trong nền kinh tế đang không tạo ra nhiều rủi ro đối với lạm phát như lần điều chỉnh giá điện năm 2011. Do vậy, tác động mang tính lan tuyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng trong năm nay là có, nhưng sẽ ở mức hạn chế”, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt đánh giá.

Riêng đối với giá nhóm hàng giao thông, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng, giá dầu thế giới đã bật tăng kể từ đầu năm 2019 đến nay, nhưng chưa gây nhiều áp lực lên giá xăng dầu trong nước do liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đang tăng cường mức chi từ quỹ bình ổn xăng dầu thay vì tăng mạnh giá bán lẻ.

Theo mô hình định lượng của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu Brent tiếp tục tăng đều và đóng cửa ở mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay thì lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 3,53%.

Với những phân tích trên, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt giữ nguyên quan điểm, lạm phát trung bình năm 2018 sẽ ở mức quanh 3,5%. Trong kịch bản dầu Brent ở mức 65 USD/thùng và 80 USD/thùng thì lạm phát trung bình của Việt Nam sẽ lần lượt ở mức 3,33% và 3,76%.