Gia tăng kiểm soát việc lợi dụng chính sách để buôn lậu
Đó là nội dung quan trọng của Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ 389 quốc gia) gửi đến các bộ, ngành, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường kiểm soát, đấu tranh hoạt động buôn lậu từ lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa.
Tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian gần đây, lực lượng chức năng của Công an, Hải quan đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện (hàng đã qua sử dụng). Điển hình như: Phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh… diễn ra trên nhiều địa bàn các tỉnh, thành phố, trên tất cả tuyến đường biển, đường hàng không và biên giới đường bộ.
Các phương thức thủ đoạn được các đối tượng sử dụng rất tinh vi như: Rút ruột, tráo hàng, hàng không vận chuyển đến cửa khẩu xuất, tự ý phá niêm phong Hải quan để tẩu tán hàng…Từ việc lợi dụng những hạn chế về quản lý, phối hợp giữa các lực lượng và bất cập trong chính sách đối với các loại hình vận chuyển hàng hóa quá cảnh, trung chuyển.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan, thời gian qua Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) - Cục Điều tra chống buôn lậu đang phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giám sát trọng điểm khoảng 50 container hàng trung chuyển, hàng hóa thể hiện trên manifest và vận đơn là ô tô, xe máy, xe đạp, đồ điện tử, đồ gia dụng... đã qua sử dụng. Cụ thể:
Ngày 05/5/2017, Đội 3 đã tiến hành khám xét 02 container hàng trung chuyển số MIEU0050371 và INKU2695721 (theo quyết định khám xét số 08/QĐ-Đ3 ngày 03/5/2017). Kết quả cụ thể như sau: Container số MIEU0050371: Người đứng tên trên vận đơn là CONFIDENT TRANSPORTATION (CAMBODIA), CO., LTD NO.294 E0 BOREI CHHOUK ME, AS ST. C PHUM KRANG ONG KRORNG SANG, KAT KRANG TNONG KHAN SENSOK. Hàng hóa khai báo trên vận đơn là xe máy đã qua sử dụng. Kết quả khám: Hàng hóa trong container trên là xe máy đã qua sử dụng các loại...;
Container số INKU2695721: Người đứng tên trên vận đơn là YAO WEI YONG TRADING CO.,LTD, địa chỉ: NO.96 AE0,ST NO.VE 16,SANGKAT TOUL, SANGKE, KHAN RUSSEY KEO, PHNOM PENH, CAMBODIA. Hàng hóa khai báo trên vận đơn là đồ điện tử đã qua sử dụng. Kết quả khám: Hàng hóa trong container trên là loa, âm ly, đầu dĩa, đàn organ... đã qua sử dụng.
Ngày 31/5/2017, Đội 3 phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã tiến hành kiểm tra thực tế 03 container hàng trung chuyển số: ECMU9692490, TCLU6564602 và TCLU5362630. Người đứng tên trên vận đơn là CHEAM LOGISTICS (CAMBODIA) CO.,LTD, địa chỉ: NO.63,ST 440,TOUL, TUMPOUNGL,CHAMKARMON, PHNOM PENH, CAMBODIA. Kết quả: Container số ECMU692490: Hàng hóa khai báo trên vận đơn là xe máy đã qua sử dụng. Kết quả kiểm tra: 81 xe máy đã qua sử dụng các loại…
Container số TCLU6564602: Hàng hóa khai báo trên vận đơn là xe máy đã qua sử dụng. Kết quả kiểm tra: 109 xe máy đã qua sử dụng các loại…
Container số TCLU5362630: Hàng hóa khai báo trên vận đơn là xe máy đã qua sử dụng. Kết quả kiểm tra: 80 xe máy đã qua sử dụng các loại.
Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp phát hiện lô hàng gồm 21 container thuốc lá trung chuyển, chuyển tải tại Bình Định, cùng một lô hàng, ban đầu Công ty TNHH XNK&TM Hải Anh làm dịch vụ trung chuyển (theo hợp đồng dịch vụ trung chuyển), sau đó Công ty TNHH XNK&TM Hải Anh xin chuyển sang loại hình kinh doanh chuyển khẩu đối với lô hàng trên. Tuy nhiên, theo quy định để kinh doanh chuyển khẩu thì Công ty TNHH XNK&TM Hải Anh phải là chủ sở hữu lô hàng.
Qua công tác điều tra, xác minh của Cục Điều tra chống buôn lậu, Công ty TNHH XNK&TM Hải Anh cung cấp 02 bộ hồ sơ không có thật, Công ty TNHH XNK&TM Hải Anh không phải là chủ sở hữu lô hàng. Kết quả: Tổng cục Hải quan đã ra quyết định tịch thu hàng hóa theo quy định.
Tăng cường kiểm soát
Trước tình hình buôn lậu có những diễn biến phức tạp trên, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu nổi côm trên.
Theo đó, Bộ Tài chính cần rà soát quy định về quản lý đối với các loại hình vận chuyển hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu. Chỉ đạo cơ quan Hải quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng quá cảnh, trung chuyển ngay từ khâu nhập khẩu cho đến khi thực xuất. Đối với các lô hàng đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Công An chỉ đạo các lực lượng xác định đầu nậu, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, lập án đấu tranh, không để tình trạng rút lõi, đánh tráo, tẩu tán; phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng để ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu vào nội địa trong quá trình vận chuyển hoặc qua đường biên giới đưa vể tiêu thụ tại Việt Nam.
Bộ Quốc Phòng chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, khu vực trên sông, trên biển để ngăn chặn việc mang vác hàng hóa từ bên kia biên giới vào tiêu thụ tại Việt Nam; phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an để ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý hoạt động buôn lậu này.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát thị trường bán lẻ, các đại lý, cửa hàng bày bán và kho bãi chứa đựng các mặt hàng là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng; chủ trì phối hợp các Bộ liên ngành rà soát, đánh giá chính sách về quản lý đối với quá cảnh, trung chuyển hàng hóa đảm bảo theo đúng Luật Thương mại và các quy định pháp luật.
Ban chỉ đạo 389 của 10 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn không để tập kết, chứa chấp, kinh doanh, tiêu thụ các mặt hàng cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện đã qua sử dụng trên địa bàn.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đôn đốc, kiểm tra về việc thực hiện chỉ đạo; tổng hợp đề xuất, khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời về Trưởng ban Chỉ đạo 389.