Giá vàng ở thị trường châu Á áp sát mức cao nhất trong gần 8 năm

Theo Anh Quân (TTXVN/Vietnam+)

Sáng 18/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,9% lên 1.756,79 USD/ounce, sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2012 là 1.759,98 USD/ounce.

Giá vàng ở thị trường châu Á áp sát mức cao nhất trong gần 8 năm.
Giá vàng ở thị trường châu Á áp sát mức cao nhất trong gần 8 năm.

Giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên sáng 18/5 áp sát mức cao nhất kể từ tháng 10/2012 trước những quan ngại về quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở nên căng thẳng và số liệu kinh tế yếu của Mỹ đã củng cố nhu cầu đối với vàng.

Vào lúc 7 giờ 43 phút ngày 18/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,9% lên 1.756,79 USD/ounce, sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2012 là 1.759,98 USD/ounce.

Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 1.765,70 USD/ounce.

Trước đó, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 15/5 cho hay Thỏa thuận thương mại Giai đoạn một mà Mỹ và Trung Quốc đã đạt được hồi tháng 1/2020 sẽ không “sụp đổ” và hai nước đang tiếp tục thảo luận để thực hiện thỏa thuận này.

Tiếp đó, Trung Quốc ngày 16/5 đã hối thúc Mỹ chấm dứt "sự cấm đoán bất hợp lý đối với tập đoàn viễn thông Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc," sau khi Washington thông báo về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, nhằm hạn chế sự tiếp cận của Huawei đối với ngành công nghệ chất bán dẫn.

Các biện pháp hạn chế mới nhằm vào Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, là sự gia tăng căng thẳng mới trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành lấy quyền kiểm soát công nghệ toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Chính phủ Trung Quốc kiên quyết ủng hộ tính hợp pháp, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc và các hành động của Mỹ tác động tiêu cực tới nền sản xuất, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Mỹ đã ghi nhận mức giảm kỷ lục trong hai tháng 3-4/2020, đẩy kinh tế Mỹ trong quý 2/2020 hướng tới mức giảm mạnh nhất kể từ Đại Suy thoái hồi thập niên 1930.

Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, sự hồi phục của kinh tế Mỹ có thể kéo dài sang năm 2020 và sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc vào tiến độ và hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất vắcxin điều trị COVID-19 của nước này.

Giá vàng có xu hướng hưởng lợi từ những biện pháp kích cầu mà các nước thực hiện vì được coi là công cụ phòng ngừa lạm phát và biến động tỷ giá cũng như là tài sản an toàn trong các giai đoạn kinh tế-chính trị bất ổn.

Nhu cầu vàng vật chất ở hầu hết trung tâm giao dịch vàng ở châu Á đều khá trầm lắng trong tuần qua với sức mua của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa hồi phục đáng kể cho dù các nước mua vàng hàng đầu như Ấn Độ và Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế đi lại và khôi phục phần nào những hoạt động kinh tế.

SPDR Gold Trust - quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới - cho hay lượng vàng nắm giữ của quỹ này đã tăng 0,8% lên 1.113,78 USD/tấn trong ngày 15/5.

Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium giảm 0,5% xuống còn 1.892,25 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,7% lên 803,19 USD/ounce, còn giá bạc tăng 2% lên 16,96 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 9 giờ 11 phút ngày 18/5, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,58-48,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).