TP. Hồ Chí Minh

Giải đáp các vướng mắc về chính sách bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp

Hữu Thông

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) vừa phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả trên địa bàn.

Toàn cảnh hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Thông
Toàn cảnh hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Thông

Hội nghị có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Cao Thị Phi Vân - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu - Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện hơn 350 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tham dự.

Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận thông tin và đồng hành cùng chính quyền Thành phố. Bên cạnh đó, việc đối thoại cũng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hiểu rõ cơ chế chính sách, nhất là cơ chế chính sách mới và những điểm thay đổi nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tại hội nghị, đại diện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã trả lời trên 60 câu hỏi vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến chế độ hưu trí cho người lao động, cách tính lương hưu của lao động nữ, bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài, cách báo tăng giảm bảo hiểm xã hội mới nhất; các vấn đề thuộc đơn vị quản lý về lao động tiền lương, việc làm, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp...

Trong phần đối thoại trực tiếp, hàng chục câu hỏi đã được các doanh nghiệp nêu ra. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn kiến nghị chỉ sử dụng mức 1% bảo hiểm thất nghiệp mà doanh nghiệp không phải đóng cho thời gian nghỉ thai sản trả lại cho người lao động nữ khi nghỉ việc (không chi hơn mức 1%)...

Hiện nay, ngành may mặc nói chung và Công ty cổ phần Sản xuất -Thương mại May Sài Gòn nói riêng sử dụng nhiều lao động nữ (trên 90%) và phần lớn còn trong độ tuổi sinh sản. Do đặc điểm của ngành May, hàng năm lao động thường xuyên biến động, nghỉ việc nhiều nên số tiền trả trợ cấp thôi việc cho lao động nữ và trong khoảng thời gian nghỉ thai sản từ 14 ngày trở lên khá lớn. Người lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng vẫn được tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội để trả trợ cấp thôi việc theo quy định, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thu nhập người lao động và nộp ngân sách nhà nước.
Do vậy, các doanh nghiệp này đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh xem xét, kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp chỉ sử dụng mức 1% bảo hiểm thất nghiệp tương ứng của từng người lao động mà doanh nghiệp không phải đóng khi nghỉ thai sản từ 14 ngày trở lên (trong thời gian này người lao động không làm ra sản phẩm, tạo ra hiệu quả cho doanh nghiệp để chi trả lại cho khoảng thời gian nghỉ thai sản này khi người lao động nghỉ việc (mức không phải đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp của người nào thì chi trả lại cho người đó, doanh nghiệp không chi hơn mức 1%)?...

Về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: Từ ngày 01/01/2018, hợp đồng thời vụ dưới ba tháng có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Doanh nghiệp phải thực hiện thế nào khi người lao động không có mã số bảo hiểm xã hội; Năm 2018, trường hợp nhân viên làm việc thời vụ thì doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm xã hội những khoản nào, và mức đóng bao nhiêu %?...

Trước các vấn đề doanh nghiệp nêu, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội đã nghe, trực tiếp trả lời và giải đáp thỏa đáng đối với 67 vấn đề vướng mắc, đồng thời nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các doanh nghiệp.