Giải đáp cơ chế tài chính của đơn vị nghiên cứu khoa học
Mới đây, Bộ Tài chính có nhận được thư hỏi của độc giả là kế toán một đơn vị nghiên cứu cơ bản, với nội dung liên quan đến cơ chế tài chính, thanh toán qua Kho bạc.
Tôi làm kế toán tại một đơn vị nghiên cứu cơ bản (thuộc loại khoản 3, điều 4, Nghị định 115/2005/NĐ-CP). Trong năm 2015, đơn vị tôi ký 1 hợp đồng dịch vụ nghiên cứu khoa học với bên A cũng là 1 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh. Hợp đồng này được giải ngân từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh của bên A năm 2015. Đơn vị tôi đã thanh lý hợp đồng, mua hóa đơn tại Cục Thuế để xuất trả cho bên A và nhận được 80% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, khi số kinh phí này được chuyển về tài khoản tiền gửi của Viện tại Kho bạc Nhà nước, tôi không giải ngân được do một số cán bộ trong đơn vị phát hiện hợp đồng dịch vụ nghiên cứu khoa học trên có nhiều sai sót. Tôi muốn làm thủ tục trả lại kinh phí này và hủy việc giao dịch nói trên với bên A. Kho bạc Nhà nước hướng dẫn đơn vị tôi chỉ cần làm công văn chuyển trả lại cho bên A (tài khoản tiền gửi) với nội dung tiền về chậm, khó khăn trong giải ngân. Kho bạc Nhà nước hướng dẫn như vậy có đúng không?
Về việc này, Bộ Tài chính có hướng dẫn như sau:
Theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước thì: “Trong quá trình kiểm soát, thanh toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước các khoản chi sai phải thu hồi giảm chi hoặc nộp ngân sách.
Căn cứ vào quyết định của cơ quan tài chính hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc thu hồi cho ngân sách nhà nước theo đúng trình tự quy định”. Như vậy, trên cơ sở quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước thực hiện thu hồi cho ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
Trong trường hợp độc giả nêu, do bên A (đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh) được ngân sách nhà nước cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và ký hợp đồng dịch vụ nghiên cứu khoa học với đơn vị - độc giả làm kế toán (bên B), nên bên A phải thực hiện việc quyết toán chi nghiên cứu khoa học với cơ quan tài chính đối với kinh phí được cấp; đồng thời bên B cũng phải thể hiện trong quyết toán của đơn vị - nguồn thu, chi của hợp đồng.
Hoạt động thu chi của bên B phải thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị nghiên cứu khoa học theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; các văn bản hướng dẫn Nghị định và quy chế chi tiêu nội bộ.
Hợp đồng nghiên cứu khoa học phải đúng quy định của pháp luật về hợp đồng quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ. Trường hợp hủy kết quả thực hiện hợp đồng, thì trên cơ sở kết quả thống nhất hủy kết quả thực hiện hợp đồng giữa A và B theo quy định của pháp luật, bên B có trách nhiệm trả tiền cho bên A để bên A nộp ngân sách nhà nước.