Giai đoạn 2016-2020: Nhu cầu đầu tư hạ tầng khoảng 24 tỷ USD

Theo Kim Hiền/kinhtevadubao.vn

Con số này gấp đôi so với mức đầu tư trung bình hàng năm của giai đoạn 2011-2015.

Giai đoạn 2016-2020: Nhu cầu đầu tư hạ tầng khoảng 24 tỷ USD. Nguồn: kinhtevadubao.vn
Giai đoạn 2016-2020: Nhu cầu đầu tư hạ tầng khoảng 24 tỷ USD. Nguồn: kinhtevadubao.vn

Đây là số liệu được ông Trần Hùng, chuyên gia tư vấn của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) đưa ra tại Hội thảo quốc gia về chiến lược tài trợ kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, ngày 03/10/2017.

Ngân sách không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội.

Trong đó, một số công trình giao thông quan trọng đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo kết nối vùng miền trong  cả nước, như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Tân Sơn Nhất, Cái Mép - Thị Vải.

Thư trưởng Phương cho biết: “Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư phát triển, cơ bản đảm bảo an ninh năng lực quốc gia. Nhiều công trình lớn đã hình thành và đang được xây dựng, như: thủy điện Lai Châu, đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô.

Hạ tầng đô thị cũng được quan tâm đầu tư, nhất là các thành phố lớn, như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh, đảm bảo hiện đại, rộng khắp, đã có một số doanh nghiệp mở rộng đầu tư ra nước ngoài”.

Mặc dù đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng thời gian tới việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa ;ại đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư phát triển.

Đưa ra nguyên nhân lý giải, Thứ trưởng Phương cho biết:

Thứ nhất, nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình;

Thứ hai, thị trường tín dụng trong nước đối với các dự án đối tác công tư PPP, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ đã ở mức cao, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ;

Thứ ba, các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng đổi mới còn chậm, chưa có cơ chế bảo lãnh rủi ro về doanh thu, tỷ giá, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng tín dụng nước ngoài tham gia vào đầu tư;

Thứ tư, một số quy định về trần nợ công cũng ảnh hưởng tới việc huy động nguồn vốn từ bên ngoài.

Phân tích rõ hơn về việc thiếu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng, ông Trần Hùng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam duy trì tỷ lệ đầu tư cao cho phát triển kết cấu hạ tầng, trung bình giai đoạn 2008-2015 vào khoảng 8%/GDP, tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực (từ 3-5%).

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh và chất lượng đầu tư đang ở mức thấp hơn so với khu vực và trên thế giới. Cụ thể, trong năm 2016, chất lượng hạ tầng của Việt Nam đứng ví trí thứ 79/138 quốc gia và vùng lãnh thổ, cách rất xa so với Malaysia và Singapore.

Đặc biệt trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng hàng năm tại Việt Nam sẽ cao hơn,vào khoảng 23,4 tỷ USD, cao gấp đôi so với đầu tư 5 năm trước đó (Trong giai đoạn 2011-2015 là 12,6 tỷ USD). Điều này cho thấy đang có khoảng trống đầu tư tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư lớn, nhưng vốn thực hiện lại không đủ.

Những thách thức về vốn được ông Trần Hùng chỉ ra, đó là: Khó khăn ngân sách và ít điều kiện để tài trợ cho các dự án lớn sử dụng vốn ngân sách; Thiếu hiệu quả trong lập kế hoạch đầu tư và phân bổ nguồn  lực tài chính; Thị trường vốn chưa phát triển; Thiếu năng lực cần thiết trong nước và thiếu môi trường khuyến khích đầu tư tư nhân.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Trung, Vụ trưởng Vụ Kết cấu Hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh đến thách thức là thiếu hiệu quả trong công tác lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực tại các địa phương.

Ông Trung cho biết, mặc dù, các địa phương đã lên kế hoạch đầu tư công trung hạn 2106-2020, nhưng khi bố trí thực hiện, thì vẫn trên cơ sở hàng năm, nên các dự án chưa biết khả năng cân đối vốn để hoàn thành.

Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều bộ ngành, địa phương lựa chọn các dự án đầu tư còn mang tính hình thức, chưa có sự lựa chọn thứ tự ưu tiên để phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối nguồn lực. Ngoài ra, một số thủ tục để xác định dự án đưa vào đầu tư trung hạn còn lúng túng, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Trung đến từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại quan tâm đến việc thiếu mối trường khuyến khích đầu tư tư nhân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, đầu tư hạ tầng ở Việt Nam tương đối khó, nhu cầu đầu tư thì luôn lớn hơn nguồn vốn, do không có thị trường cho vay trung và dài hạn, trong khi đó thông thường thời gian thu hồi vốn của một dự án đầu tư hạ tầng kéo dài tới khoảng 25 năm.

Một cản trở cực kỳ lớn khác, đó là tiến độ dự án có thể đẩy nhanh, nhưng bị vướng bởi kế hoạch đầu tư, nên chậm tiến độ và chi phí lãi vay lớn, do quản lý nguồn tiền đi vay như quản lý ngân sách.

Thêm vào đó, Việt Nam có nền kinh tế thị trường không hoàn chỉnh, nên cơ chế đánh giá, thẩm định dự án rất phức tạp và không tuân thủ quy tắc phân bổ chi phí của thị trường. Chính những điều này dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư tư nhân không muốn đầu tư các dự án lớn, liên vùng, liên ngành, mà chỉ đầu tư quy mô nhỏ, thời gian hoàn vốn ngắn và lợi nhuận cao.

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư

Trước thực trạng nguồn vốn nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng ngày càng hạn hẹp, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư Bộ Tài chính cho biết cần phải đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư bằng cách đẩy mạnh cơ chế huy động nguồn lực ngoài nhà nước, trong đó PPP là 1 trong những giải pháp.

Bên cạnh đó cần có những chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân bằng công cụ tài chính, trong đó nên ưu đãi về thuế thu nhập và thuế xuất nhập khẩu đối với các dự án hạ tầng lớn.

Về sử dụng vốn ngân sách, ông Anh cho rằng, cần sử dụng ngân sách hiệu quả bằng cách đầu tư vào dự án thực sự cần thiết và chỉ sử dụng vốn ngân sách để làm công cụ thu hút thêm tư nhân thông qua cơ chế hợp tác.

Ngoài ra, ông Anh cũng cho rằng, thị trường vốn bắt buộc phải được đẩy mạnh phát triển để cho cấu trúc tài chính của dự án hạ tầng có sự chuyển đổi mạnh mẽ so với giai đoạn vừa qua. Bởi, thực tiễn cho thấy, cấu trúc tài chính của 1 dự án đa phần là vốn vay thương mại, chiếm tới 80-90% tổng mức đầu tư của dự án, những nguồn vốn như cổ phần, trái phiếu không hiện hữu nhiều trong các dự án hạ tầng.

Theo đó, trong giai đoạn tới, trách nhiệm của các bộ sẽ phải đệ trình Chính phủ những giải pháp để làm sao cơ cấu được cấu trúc tài chính này. Trong đó, vốn từ các ngân hàng thương mại chỉ nên chiếm đến 40%, 40% từ các nhà đầu tư thể chế và còn lại là thông qua công cụ chứng khoán để có vốn đầu tư phát triển. 

Trong bối cảnh nguồn đầu tư nhà nước có hạn, ông Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, cần phải đưa ra danh mục đầu tư hạ tầng, trong đó dự án nào cần phân loại các dự án dành cho nhà nước, các dự án cần đầu tư tư nhân.

Còn ông Nguyễn Đức Trung lại đề xuất, ở Việt Nam, thông thường nhu cầu về vốn nhiều hơn khả năng phân bổ vốn, nên phải xác định các dự án phù hợp để ưu tiên.

Ở góc độ chuyên gia, ông Trần Hùng cho rằng, để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam thì cần phải thực hiện đồng bộ 5 giải pháp lớn, đó là: Nâng cao hiệu quả đầu tư công; Huy động nguồn lực trong nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng; Khuyến khích đầu tư tư nhân; Tiếp cận thị trường vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng và cuối cùng là phát triển thể chế và năng lực.