Giải mã nguyên nhân khiến tiền bị rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi
Có phải các nhà đầu tư đã bắt đầu cảm thấy quan ngại rủi ro và thận trọng hơn đối với các thị trường chứng khoán mới nổi? Hay có những yếu tố nào đang chi phối quyết định của các nhà đầu tư thế giới khiến họ phải điều chỉnh chiến lược phân bổ vốn toàn cầu của mình?
Kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước phát triển – bao gồm cả Mỹ, EU và Nhật Bản – đã khiến cho dòng vốn khổng lồ đổ vào các thị trường chứng khoán mới nổi.
Nhà đầu tư khắp thế giới sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận ở các thị trường nhỏ như Pakistan, Banglades hay Việt Nam. Chẳng hạn, KSE – chỉ số chứng khoán chính của Pakistan – đã tăng hơn 8 lần so với mức đáy sau khủng hoảng. Đây là mức tăng vượt trội so với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới.
Tuy nhiên gầy đây xu hướng này đang chững lại. Các dấu hiệu cho thấy dòng vốn đã bắt đầu tháo chạy khỏi các thị trường cận biên và mới nổi. Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế, dòng tiền rút ra khỏi các tài sản tài chính ở các thị trường này bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu.
Đặc biệt, cổ phiếu của các thị trường mới nổi ghi nhận 0,5 tỷ USD bj rút ròng ra khỏi các thị trường mới nổi trong tháng 3 vừa qua. Châu Á là nơi có lượng rút vốn nhiều nhất, lên tới 7,8 tỷ USD cũng trong tháng 3 .
Có phải các nhà đầu tư đã bắt đầu cảm thấy quan ngại rủi ro và thận trọng hơn đối với các thị trường chứng khoán mới nổi? Hay có những yếu tố nào đang chi phối quyết định của các nhà đầu tư thế giới khiến họ phải điều chỉnh chiến lược phân bổ vốn toàn cầu của mình?
Chính sách tiền tệ không còn nới lỏng ở các nền kinh tế chủ chốt
Tháng 3 vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1,5 – 1,75%. Đây là lần nâng lãi suất thứ năm kể từ sau khủng hoảng. Bắt đầu từ tháng 12/2016, lãi suất cơ bản đồng USD mà các ngân hàng vay từ Fed đã tăng từ mức 0,25 – 0,5% lên mức hiện nay.
Động lực của việc gia tăng lãi suất đến từ niềm tin của Fed vào sự phục hồi kinh tế của Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc kể từ sau khủng hoảng. Thậm chí, Ủy ban thị trường mở liên bang nước này (FOMC) dự kiến tiếp tục có thêm các đợt nâng lãi suất nữa để đạt tới 3,4% vào năm 2020.
Một số ngân hàng trung ương châu Âu cũng có các động thái tương tự. Duy chỉ có Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất ở mức âm trong suốt nhiều năm qua bởi triển vọng yếu kém của nền kinh tế nước này.
Lãi suất tăng khiến cho chi phí sử dụng vốn bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn. Nhà đầu tư ở các nước này trở nên cân nhắc hơn khi rót vốn vào các thị trường mới nổi, vốn có những đồng tiền bản địa chứa nhiều rủi ro biến động và lạm phát.
Thời gian gần đây, dòng tiền nhạy cảm đã bắt đầu rút ra khỏi các thị trường mới nổi, để đầu tư hoặc gửi tiết kiệm bằng USD cũng như các đồng tiền mạnh khác. Khi lãi suất tiếp tục tăng tới một mức độ nhất định, lượng vốn đổ vào Mỹ hoặc châu Âu sẽ tăng lên nhanh chóng, cùng với đó là sự rút vốn ròng khỏi các thị trường mới nổi.
Dầu mỏ và các hàng hóa cơ bản tăng giá mạnh mẽ
Giá dầu thô WTI hiện đã lên tới hơn 71 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 2014. Động lực khiến giá dầu tăng mạnh đến từ (1) Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC và Nga nhằm phục hồi giá dầu, (2) Khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở Venezuela vốn là một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn ở Nam Mỹ và (3) Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran theo đó miễn trừ các biện pháp trừng phạt Iran để nước này chấm dứt nghiên cứu vũ khí hạt nhân.
Cùng với giá dầu, loạt hàng hóa cơ bản cũng tăng giá trong những tháng gần đây như sắt thép, nông sản khiến cho chi phí sản xuất công nghiệp tăng mạnh làm giảm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất.
Đồng thời, giá cả hàng hóa tăng thu hút một lượng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán để đầu cơ tích trữ kiếm lời từ thị trường hàng hóa. Điều này cũng gây ra tác động tiêu cực tới dòng vốn trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường chứng khoán mới nổi.
Biến động kinh tế chính trị
Không chỉ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng có tác động tới các thị trường chứng khoán. Các vấn đề của Mỹ với một số nước Trung Đông như Syria hay Iran cũng khiến cho nhà đầu tư lo sợ.
Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng với Trung Quốc sẽ bị tác động mạnh mẽ nếu Mỹ tiếp tục áp dụng các biên pháp trừng phạt hoặc từ chối nhập khẩu các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Mỹ cũng chịu tổn thất đáng kể nếu muốn chuyển một số hoạt động sản xuất về nước mình hoặc về các nước tham gia đối tác song phương với Mỹ. Chi phí sản xuất sẽ gia tăng đáng kể bởi hầu hết công nghệ sản xuất cần phải được đầu tư lại từ đầu.
Bất ổn chính trị Trung Đông ngoài việc kéo theo nhiều nước tham chiến (Nga hoặc một số nước châu Âu), cũng sẽ khiến tâm lý hoang mang bao trùm các thị trường chứng khoán. Nhất là sau cả thập kỷ tăng trưởng trên toàn thế giới, hầu hết nhà đầu tư đều cho rằng thời kỳ điều chỉnh xuất hiện là một điều không thể tránh khỏi.
Triển vọng màu xám cho các thị trường mới nổi
Ngoài một số ít nhà đầu tư tin rằng cơ hội vẫn còn ở các thị trường cận biên và mới nổi, hầu hết nhà đầu tư đã bắt đầu rút vốn ồ ạt khỏi các quốc gia này.
Sau nhiều năm nhận được dòng vốn lớn từ bên ngoài với lượng dự trữ ngoại hối tăng trưởng nhanh chóng, các thị trường nhỏ như Việt Nam hay Bangladesh đang hứng chịu lượng vốn ròng rút ra ngày càng tăng. Có vẻ xu hướng này vẫn chưa dừng lại trong ngắn hạn.
Điều duy nhất mà nhà đầu tư nội địa tại các quốc gia mới nổi cần trông đợi lúc này đó là, các nhà điều hành của họ có đủ tỉnh táo và bản lĩnh để ứng phó kịp thời với động thái của dòng tiền đầu tư gián tiếp.
Kinh nghiệm có được trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng, cùng với những bài học từ các nước Đông Á trong cuộc khủng hoảng 1997 – 1998 có thể giúp ích trong việc đưa ra quyết sách của những quốc gia này trong giai đoạn hiện nay.