Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 52,43% kế hoạch

Hà Anh

Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 60,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 69,19%), vốn nước ngoài đạt 27,99% (cùng kỳ năm 2021 đạt 21,51%).

Hiện có 16 bộ và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%.
Hiện có 16 bộ và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%.

Số liệu cho thấy, hiện có 16 bộ và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% kế hoạch. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (99,47%), Ngân hàng Nhà nước (84,42%), Quảng Ngãi (83,1%), Tiền Giang (82%), Bình Định (81,5%)…

Tuy nhiên, vẫn còn 27 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 12 bộ và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: TP. Hồ Chí Minh (trên 25%); Hà Giang (31,4%); Cao Bằng (32,6%); Quảng Trị (trên 40%); Hòa Bình (44,8%).

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, ngoài các nguyên nhân chung ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án như giá cả nguyên vật liệu tăng cao, tình hình thời tiết, khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… thì tại nhiều địa phương hiện đang triển khai thực hiện lập quy hoạch. Do đó, nhiều địa bàn thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với khu đất được giới thiệu, chấp thuận địa điểm của dự án nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Bên cạnh đó, một số dự án khởi công mới thực hiện đấu thầu vào quý III/2022 với các gói thầu có giá trị lớn; một số dự án có thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án của các cơ quan quản lý nhà nước bị kéo dài do một số hạng mục công việc không thống nhất ý kiến giữa các đơn vị thẩm định.

Một số dự án đặc thù cung cấp thiết bị khoa học là thiết bị cần được đặt hàng, chế tạo tại nước ngoài nên thời điểm bàn giao thiết bị tập trung vào cuối năm… do vậy, khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án dồn vào thời điểm cuối năm...

Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 và Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Trong đó, tại Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường; ban hành các quy định về sử dụng vật liệu mới thay thế cho các dự án, công trình xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để xử lý tháo gỡ các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai; hướng dẫn ngay các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác mỏ nguyên, vật liệu phục vụ cho dự án đầu tư công.

Bộ Công Thương theo dõi sát sao diễn biến tình hình, kiểm soát và có biện pháp kịp thời, hiệu quả theo quy định để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, đặc biệt là xăng, dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xử lý kịp thời bảo đảm đúng thời hạn về việc có ý kiến theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định đối với việc chuyển đổi đất rừng đối với các dự án đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cẩu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn việc giải ngân vốn đầu tư công.

 

Công điện số 1076/CĐ-TTg nêu rõ, để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.