Giải ngân vốn đầu tư công:​ Mạnh dạn thay lãnh đạo thiếu trách nhiệm


​Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2022 Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Xây dựng công trình từ vốn ODA trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Xây dựng công trình từ vốn ODA trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối tháng 12/2022, giải ngân vốn đầu tư công được trên 2.466 tỷ đồng và đạt 73,82% kế hoạch. Từ con số cụ thể trên cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã không hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đề ra. Trong khi đó, đối với một tỉnh có hạ tầng kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn như Bạc Liêu thì việc tranh thủ, sử dụng và phát huy tốt nguồn vốn này là rất quan trọng.

Cũng như trong điều kiện nguồn lực kinh tế từ khu vực tư nhân giảm và chiếm gần 90% doanh nghiệp của tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thì vốn đầu tư công chính là “điểm tựa” và giải pháp hàng đầu trong xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

Với ý nghĩa, tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công nên việc phân tích và làm rõ trách nhiệm, thậm chí cả những “điểm nghẽn” trong công tác này là rất quan trọng, nhất là năm 2023 cả Đảng bộ phải bước vào chặng đường tăng tốc, nhằm hoàn thành các mục tiêu của nửa nhiệm kỳ và tạo nên những động lực, sức bật mới cho cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Thực tiễn từ công tác giải ngân vốn đầu tư công năm qua cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn chưa đạt kế hoạch đề ra, ngoài phân bổ và giao vốn chậm, phải thực hiện và hoàn thành các thủ tục nên chưa có khối lượng giải ngân từ Chương trình mục tiêu quốc gia với trên 72 tỷ đồng, thì công tác phối - kết hợp giữa các ngành, địa phương chưa thật sự làm tốt. Đó còn là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu chủ động và chưa kiên quyết trong xử lý các vướng mắc về thủ tục, hồ sơ và cả công tác giải phóng mặt bằng. Như các dự án sử dụng vốn ODA được giao vốn khá lớn, với 314 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm chỉ giải ngân khoảng 96 tỷ đồng và chỉ đạt trên 30% kế hoạch.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các Ban xây dựng cơ bản vẫn chưa được phát huy, một số Ban có tỷ lệ giải ngân thấp và còn tình trạng đổ lỗi cho cơ chế, chính sách và cả năng lực nhà thầu, đơn vị thi công…

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã từng ban hành văn bản sẽ xử lý, thay thế các chủ đầu tư, Ban quản lý, các nhà thầu thiếu trách nhiệm và chưa làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công. Do vậy, trong năm 2023 cần thực hiện nghiêm giải pháp này và mạnh dạn thay thế những chủ đầu tư, lãnh đạo các Ban quản lý dự án thiếu năng lực lãnh đạo, quản lý và chưa làm tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Kim Trung/ Báo Bạc Liêu