Giải pháp chuyển đổi số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, thương mại và việc làm trong hiện tại và cả tương lai. Do đó, cần nhanh chóng áp dụng mô hình giải pháp trên nền tảng công nghệ phục vụ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và việc làm để phục vụ cho các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội...
Ngày 19/11, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng công nghệ DPT và giới thiệu Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình giải pháp chuyển đổi số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm cho doanh nghiệp và cộng đồng do tác động của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Đề án C19).
Mục tiêu của Đề án C19 nhằm tham gia vào chiến lược, mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, giúp những doanh nghiệp, cộng đồng xã hội nhận thức, sử dụng và làm chủ các nền tảng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm do tác động của đại dịch COVID-19.
Đề án C19 được triển khai theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn I (2021-2022), là giai đoạn tiến hành lựa chọn các nền tảng công nghệ số phù hợp và đáp ứng được mục tiêu của Đề án; Xây dựng các tài liệu, giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo, truyền thông; Tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học, liên kết, hợp tác với các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế và tổ chức chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ.
Giai đoạn II (2023-2025): Tiến hành nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ các nền tảng số; Hoàn thiện hạ tầng và hệ sinh thái phục vụ cho các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; Xây dựng Trung tâm công nghệ kỹ thuật số và Hệ thống điều hành bảo đảm phục vụ cho toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Đề án; Đồng thời, tích hợp với hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số quốc gia; Đánh giá, tổng kết hiệu quả đạt được sau khi thực hiện triển khai Đề án về khoa học công nghệ, kinh tế và xã hội.
Theo các nhà khoa học, để đạt được mục tiêu đề ra cần thực hiện các nhiệm vụ: Phải tiến hành triển khai chương trình đào tạo “Phổ cập chuyển đổi số” cho doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; Nghiên cứu và phát triển; Tiến hành lựa chọn các mô hình, giải pháp công nghệ kỹ thuật số đáp ứng đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn tham gia vào Đề án.
Đồng thời, xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và làm chủ mã nguồn của từng hệ thống nền tảng số (Platform, Bockchain, AI); Xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm kỹ thuật nhằm phục vụ cho hạ tầng kỹ thuật số của Đề án: Trung tâm dữ liệu Big Data, IoT, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ.
Các nhà khoa học cũng đưa ra những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ: Liên kết, hợp tác với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, các bên liên quan để triển khai Đề án; Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp; Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng; Áp dụng cơ chế chính sách của Nhà nước hiện có và kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách mới phù hợp với quá trình tổ chức triển khai Đề án vào thực tiễn; Tổ chức truyền thông, tuyên truyền...
Các kết quả dự kiến đạt được, bao gồm: Nghiên cứu, hoàn thiện và làm chủ nền tảng công nghệ chuyển đổi số đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phục vụ cho xã hội cộng đồng trên phạm vi cả nước. Xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm dữ liệu và điều hành ở quy mô cấp quốc gia.
Phổ cập kiến thức về chuyển đổi số; sử dụng và làm chủ các nền tảng công nghệ số từ cơ bản đến nâng cao cho các doanh nghiệp, cá nhân phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và việc làm do tác động của đại dịch COVID-19.
Hình thành từ 1 triệu đến 2 triệu doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số. Tạo ra 2 triệu đến 3 triệu việc làm từ ứng dụng nền tảng công nghệ số của Đề án. Đào tạo phổ cập kiến thức và sử dụng nền tảng công nghệ số cho 8 triệu đến 10 triệu người.