Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19


Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù có những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về kết quả này, bài viết đánh giá thực trạng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam từ năm 2016 đến tháng 5/2022, từ đó đề ra một số giải pháp nhằm thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19.

Đặt vấn đề

FDI là nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế, nó không chỉ là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn góp phần tạo ra nhiều vệc làm, bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh. Điều này đã tác động tích cực đến phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.

Ở Việt Nam, nguồn vốn FDI có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều phải tranh thủ thu hút nguồn lực từ bên ngoài, để duy trì và phục hồi nền kinh tế.

Trong khi đó, sự cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển của khoa học công nghệ và nguồn cung lao động đang ngày càng gay gắt. Chính vì vậy, để duy trì và tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút nguồn vốn FDI, Việt Nam cần triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thực trạng thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021

Vốn FDI thực hiện bình quân ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019 chiếm trên 23% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Tỷ trọng bình quân GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn này chiếm 19,8% trong tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế; thu hút gần 5 triệu lao động; tạo ra lợi nhuận cao nhất khi chiếm trên 42% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Hiệu quả đầu tư kinh doanh của khu vực FDI thể hiện qua các chỉ tiêu như hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) và hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS) đều cao hơn nhiều so với khu vực kinh tế được thực hiện bởi nguồn vốn trong nước.

Giai đoạn 2016 - 2019: Quy mô dự án về tổng số vốn đăng ký, tổng số vốn thực hiện và số dự án tăng đều qua các năm. Về vốn đăng ký, tính đến năm 2019, ở Việt Nam có 3.883 dự án đăng ký đầu tư với số vốn là 38.020 triệu USD, tăng 214% số lượng dự án đăng ký và tăng 91,2% số vốn đăng ký so với năm 2010. Về vốn thực hiện, năm 2019, tổng số vốn đạt 20.380 triệu USD được thực hiện đầu tư vào Việt Nam, tăng 85,3% so với năm 2010, đây là số vốn thực hiện cao nhất trong giai đoạn 2010 - 2019.

Tuy nhiên, từ năm 2019, dưới tác động của đại dịch COVID, nguồn vốn FDI có xu hướng giảm cả về vốn đăng ký và dự án cấp mới. Năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI là 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2020, cả nước có 33.070 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Điểm nhấn trong năm 2020 là mặc dù số dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư là 1.140 lượt, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vốn đầu tư điều chỉnh tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 1

Kết quả thu hút vốn FDI vào Việt Nam lạc quan hơn từ năm 2021. Theo đó, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng 40,5%. Riêng trong tháng 8/2021, thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, nhưng với nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, nước ta đã thu hút đạt 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7/2022.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020. Cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và số lượt góp vốn mua cổ phần năm 2021 đều giảm so với năm 2020, chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD). Như vậy, việc tăng vốn đầu tư cấp mới, vốn đầu tư điều chỉnh và giảm số lượng dự án cho thấy, quy mô vốn đầu tư bình quân/dự án đầu tư mới cũng như điều chỉnh đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020. Đây được coi là những con số “ấn tượng” trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang sụt giảm mạnh và có nhiều điều chỉnh do tác động từ đại dịch COVID-19.

Kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam đạt được kết quả trên là do quyết sách kịp thời của Chính phủ khi ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết này nêu rõ, khu vực kinh tế FDI là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được Nhà nước khuyến khích; tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiến tới tự chủ về công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Tiếp nối tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã đề ra các mục tiêu cơ bản như: Tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Tình hình thu hút vốn đầu tư FDI ở Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 11,71 tỷ USD, giảm 16,3 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn đăng ký mới giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%. Vốn FDI thực hiện đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8 % so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, mặc dù nguồn vốn đăng ký mới giảm trong vài tháng nay, nhưng nguồn vốn thực hiện bao gồm vốn điều chỉnh (phần mở rộng vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam); vốn góp, mua cổ phần và vẫn tăng lên so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dòng vốn FDI chủ yếu “chảy mạnh” vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dẫn đầu về thu hút vốn FDI cả nước là tỉnh Bình Dương, 5 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn FDI đầu tư đăng ký vào tỉnh này đạt trên 2,52 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh là tỉnh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,65 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn. TP. Hồ Chí Minh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1,3 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn và giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 2

Số liệu trên cho thấy, các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng về thu hút vốn FDI với nhiều tiềm năng, cơ hội, trước mắt là về các dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc đầu tư tăng thêm. Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đưa ra tháng 12/2021, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacquest Morisset cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,5%. Nhìn nhận về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức lạc quan hơn, Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng ở mức 6,8% vào năm 2022. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, cần phải có giải pháp đồng bộ nhằm kịp thời khắc phục khó khăn về dịch bệnh, cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý và giải ngân nguồn vốn một cách hiệu quả.

Giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hậu COVID-19

Để tiếp tục phát huy nguồn vốn FDI trong phát triển kinh tế Việt Nam hậu COVID-19, thời gian tới cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình cần thiết để đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính…

Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, "Sản xuất xanh, phát triển xanh là xu hướng chung, xu hướng tất yếu mà Việt Nam nên đi theo”. Lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần phái có năng lực, khả năng chống chịu với sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng ở nước ta.

Thứ sáu, khẩn trương hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư nước ngoài phù hợp với quan hệ kinh tế mới, mô hình và phương thức kinh doanh mới, bảo vệ thị trường trong nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho khu vực trong nước phát triển phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

Chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gẫy về nguồn lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết luận

FDI là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cùng các biện pháp chống dịch đã khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức, rủi ro, ảnh hưởng nặng nền đến sự phát triển kinh tế. Về bản chất, doanh nghiệp FDI luôn đặt lợi ích, lợi nhuận lên hàng đầu, nên họ không thể chờ đợi được. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là làm sao để vừa phải chống dịch quyết liệt, vừa phải giữ chân doanh nghiệp để họ có niềm tin mở rộng, giữ dòng vốn, vừa tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ… đã tạo niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp FDI. Những chính sách này là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài “rót vốn” đầu tư vào nước ta. Số dự án FDI mới vào Việt Nam vẫn được duy trì, không sụt giảm nhiều so với thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát.

Số liệu về nguồn vốn FDI trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn được đánh giá là khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng quan tâm về nguồn vốn FDI sau đại dịch COVID-19 không phải là số lượng dự án, quy mô nguồn vốn, mà là chất lượng, cần thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Big Data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển… theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ.

Để thay đổi được chất lượng dự án FDI theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị phải đổi mới cơ bản toàn bộ hoạt động, từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đặng Hoài Linh (2020), Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19;
  2. Trần trọng Triết (2022), Giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thu hút nguồn vốn lớn FDI trước khó khăn do COVID-19 (https://www.qdnd.vn);
  3. The World bank (2019), Bước chuyển về tài chính, Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam;
  4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về thực trạng phát triển khu vực FDI trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, năm 2019;
  5. The World bank (T7/2020), Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?, Tác động kinh tế của COVID-19;
  6. Tổng cục Thống kê (T5/2022), Kinh tế - xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc (https://www.gso.gov.vn);
  7. https://thitruongtaichinhtiente.vn/thu-hut-von-fdi-vao-viet-nam-trong-giai-doan-hau-dai-dich-covid-19-32615.html;
  8. https://baochinhphu.vn/vung-long-nha-dau-tu-viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-thu-hut-doanh-nghiep-fdi-102220313141911017.htm;
  9. https://dangcongsan.vn/kinh-te/duy-tri-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-boi-canh-covid-19-589290.html.

* ThS. Nguyễn Thị Đăng Thu, Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Đại Nam

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022