Top 7 địa phương "hút" vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD trong 9 tháng

Gia Hân

Thông tin về tình hình vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng năm 2022, các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục được “đón” làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, có tới 7 địa phương hút vốn FDI khoảng trên 1 tỷ USD.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ
Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ

Vốn đăng ký cấp mới giảm nhưng số dự án đầu tư mới tăng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa – chính trị toàn cầu, song vốn điều chỉnh và GVMCP đều có tín hiệu tăng.

Theo đó, về vốn đăng ký cấp mới, có 1.355 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,12 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021 về số dự án và giảm 43% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,87 tỷ USD, chiếm 68,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,23 tỷ USD, chiếm 17,2%; các ngành còn lại đạt 1,02 tỷ USD, chiếm 14,4%.

Đồng thời, trong 63 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,45 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đan Mạch 1,32 tỷ USD, chiếm 18,5%; Nhật Bản 927,5 triệu USD, chiếm 13%; Hàn Quốc 749,1 triệu USD, chiếm 10,5%; Trung Quốc 735,3 triệu USD, chiếm 10,3%...

Về vốn đăng ký điều chỉnh, có 769 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,35 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2021. Về vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 2.697 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,28 tỷ USD, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,05 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 8,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 7,5%.

7 địa phương có tổng vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2022. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về “sức hút” FDI là TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký 9 tháng trên 2,96 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến 20/9/2022, TP. Hồ Chí Minh đã cấp mới cho 567 dự án, với số vốn đăng ký cấp mới đạt 348 triệu USD; 114 dự án điều chỉnh với số vốn đăng ký điều chỉnh đạt 1,4 tỷ USD.

Tiếp sau TP. Hồ Chí Minh là Bình Dương - địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư trên 2,7 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn, tăng trên 58% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng năm 2022, Bình Dương đã cấp mới cho 54 dự án, với vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 1,8 tỷ USD; điều chỉnh vốn cho 17 dự án, với lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 20 triệu USD.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, chỉ tính riêng số vốn FDI “đổ” vào TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương trong 9 tháng qua đã chiếm tới 30,27% tổng vốn FDI cả nước.

Kế đến là Bắc Ninh, địa phương xếp thứ 3 cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,78 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bắc Ninh, các địa phương lọt top 7 địa phương có tổng vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022, bao gồm: Thái nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội.

Ngoài ra, top 10 các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI còn có Bắc Giang, Long An và Nghệ An, với tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt đạt 892 triệu USD, 665 triệu USD và 573 triệu USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 256,4 tỷ USD, chiếm 59,4% tổng vốn đầu tư; kế đến là kinh doanh bất động sản với gần 65,5 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư và sản xuất, phân phối điện với gần 36,4 tỷ USD, chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư.  Có 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó, Hàn Quốc xếp đầu tiên với tổng vốn đăng ký trên 80,5 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư; xếp thứ hai là Singapore với hơn 70 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.