Giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Trung ương


Sự thành công hay thất bại của một quốc gia bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước nói chung và bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế nói riêng. Do đó, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (trong đó có bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Trung ương) tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bài viết đánh giá kết quả đổi mới, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2015-2020 và đề xuất giải pháp cho thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đổi mới, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2015-2020

Trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ những thành tựu trong tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế (QLNNVKT) ở Trung ương, đó là: “Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…”.

Có được những kết quả như vậy là do trong giai đoạn 2015 – 2020, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy. Có thể kể tới các nghị quyết như: Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả…

Với các nghị quyết này, Đảng chủ trương đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy QLNNVKT, bảo đảm phù hợp với yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu các bộ, ngành nhằm thực hiện chủ trương xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các bộ, ngành đã đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Bộ máy QLNNVKT đã được cải cách và đạt được những kết quả đáng kể. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhận định “Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô; tháo gỡ các rào cản; phục vụ, hỗ trợ phát triển”.

Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp, kiện toàn theo hướng giảm cấp trung gian, giảm đầu mối bên trong, giảm tối đa số lượng phòng trong cục, vụ; cơ bản không chuyển vụ thành cục; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc hoàn thiện bộ máy với mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động của bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nhưng đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Thực hiện Nghị định số 87/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, hoàn thiện vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, “từ năm 2017 đến hết năm 2019, Bộ đã cắt giảm được 4.024 đầu mối, riêng năm 2019 giảm 2.172 đầu mối. Chỉ tiêu biên chế hành chính được giao đã giảm gần 4.980 biên chế (giảm 6,7% so năm 2015), trong khi vẫn đảm bảo điều hành hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của ngành”.

Tương tự, dựa trên Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương”, trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Công Thương cũng đã cắt giảm số đơn vị đầu mối, từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị (26 đơn vị hành chính, 4 đơn vị sự nghiệp); số lượng phòng giảm 74 phòng (từ 197 phòng xuống còn 123 phòng), xóa bỏ Tổng cục Năng lượng, thành lập 3 đơn vị là: Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Vụ Dầu khí và than, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo.

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã giải thể 2 đơn vị là Tổ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Văn phòng Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế về Tự động hóa và Công nghệ vật liệu… Không tinh giảm bộ máy một cách cơ học, Bộ Công Thương dựa vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã thành lập thêm Cục Phòng vệ thương mại; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trên cơ sở Cục Quản lý cạnh tranh cũ. Chính vì vậy, bộ máy của Bộ Công Thương đã đi vào hoạt động ổn định, công việc thống nhất một đầu mối, không bị trùng lặp, thực hiện đúng mục tiêu tinh giảm, hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, trong cải cách tổ chức bộ máy QLNNVKT trong giai đoạn vừa qua cũng còn một số hạn chế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Bộ máy nhà nước ở một số nơi còn cồng kềnh; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao…" Cụ thể:

+ Việc đổi mới, sắp xếp các cơ quan trung ương chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc sáp nhập các bộ thành bộ quản lý đa ngành nhưng chưa đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ, mà chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các bộ đơn ngành dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi lĩnh vực quản lý của các bộ trở nên quá lớn và phức tạp.

+ Nhiều bộ vẫn được giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Hầu như cơ quan nào cũng có các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học, trường học, học viện, bệnh viện... Có cơ quan vẫn còn bị quá tải do các công việc cụ thể, sự vụ ở tầm vi mô, địa phương; chủ trương xã hội hóa và phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương chưa được triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.

+ Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ. Vẫn còn tình trạng thành lập các đơn vị tương đương cấp vụ theo các quyết định cá biệt của Thủ tướng hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, không có trong Nghị định của Chính phủ.

Sở dĩ có những hạn chế đó là do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là:

+ Cải cách bộ máy QLNNVKT nhằm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy bảo đảm khoa học mà còn phải bảo đảm tính hợp lý, phù hợp để bộ máy có thể vận hành tốt hơn, không để việc sắp xếp bộ máy làm làm đảo lộn, rối loạn bộ máy là vấn đề rất phức tạp.

+ Năng lực, trình độ, phẩm chất đội ngũ công chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy QLNNVKT còn hạn chế.

+ Đổi mới sắp xếp bộ máy QLNNVKT nói chung và ở Trung ương nói riêng còn chịu sự tác động của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Những hạn chế và nguyên nhân hạn chế trên đây cần có những giải pháp khắc phục trong thời kỳ tới.

Giải pháp tiếp tục đổi mới bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Trung ương đến năm 2030

Đổi mới bộ máy QLNNVKT nói chung và ở Trung ương nói riêng trong thời gian tới chịu sự tác động rất lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đại dịch COVID–19, yêu cầu đặt ra đối với chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điên tử… Trên cơ sở đó, có thể đề ra một số giải pháp hoàn thiện bộ máy QLNNVKT ở Trung ương đến năm 2030 như sau:

Thứ nhất, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ máy QLNNVKT ở Trung ương.

Trong thời gian tới, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy QLNNVKT ở Trung ương cần được điều chỉnh, sắp xếp lại. Chính phủ chỉ tập trung chủ yếu vào thực hiện chức năng xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện chính sách đối với toàn bộ nền kinh tế quốc gia và chức năng giám sát trong toàn bộ hệ thống bộ máy QLNNVKT, từ Trung ương tới địa phương.

Ở trung ương, chức năng QLNNVKT của Chính phủ cần được điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp hơn, tâp trung vào xây dựng cơ chế quản lý, chính sách kinh tế, trong đó có chính sách kinh tế vĩ mô; tổ chức thực hiện cơ chế quản lý, chính sách kinh tế đối với toàn bộ nền kinh tế quốc gia và chức năng giám sát trong toàn bộ hệ thống bộ máy QLNNVKT, từ Trung ương tới địa phương.

Cần xem xét hợp nhất một số bộ, ngành để vừa giải quyết được sự giao thoa, chồng lấn chức năng, nhiệm vụ, vừa thu gọn được bộ máy, đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ theo đúng chủ trương thành lập các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần tạo nên một bộ máy QLNNVKT tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Mặt khác, thành lập cơ quan tư vấn độc lập, có nhiệm vụ nghiên cứu chính sách, tư vấn phản biện chính sách và đưa ra các cảnh báo về chính sách đối với Chính phủ. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhằm đảm bảo giám sát an toàn thị trường tài chính cũng như giám sát an toàn vĩ mô.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số, Chính phủ số.

Để làm được điều đó trước hết đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển chính phủ điện tử, đặc biệt, cần đề xuất xây dựng Luật Chính phủ điện tử và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Cần tái cấu trúc và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu xây dựng “Chính phủ điện tử”. Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan tổ chức trong hệ thống hành chính công.

Thứ ba, đổi mới căn bản xây dựng đội ngũ công chức nhà nước, trong đó có công chức QLNNVKT.

Để các giải pháp trên có thể được thực hiện tốt, vấn đề cốt yếu là công tác cán bộ. Do đó, cần đổi mới căn bản công tác cán bộ, trong đó trọng tâm là đổi mới cơ chế tuyển dụng, lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ QLNNVKT, hạn chế tình trạng chạy chức, chạy quyền, đảm bảo chọn được người tài, đức vào bộ máy công quyền. Mặt khác, để đảm bảo có được bộ máy QLNNVKT tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần có cơ chế thích hợp, kiên quyết lựa chọn những người tài, có đủ năng lực, tầm nhìn, có trình độ quản lý kinh tế và sử dụng công nghệ cao thành thạo, đáp ứng yêu cầu hoạch định; thực hiện chính sách kinh tế và vận hành chính phủ điện tử trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Nghị quyết số 39-NQ/TW “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”;

Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả;

Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021;

Trần Huyền (2020) Bộ tài chính tiên phong cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/bo-tai-chinh-tien-phong-cai-cach-hanh-chinh-tinh-gon-bo-may-317763.html;

Đình Dũng và nnk ( 2020), Bộ Công Thương: Hành trình 10 năm cải cách hành chính, Bài 3: Đột phá kiện toàn bộ máy https://congthuong.vn/bai-3-dot-pha-kien-toan-bo-may-135658.html.

* TS. Hồ Thị Hương Mai - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.