Giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng mấy năm gần đây, khu vực kinh tế này chưa thoát khỏi khó khăn, có phần đuối sức trong xu thế cạnh tranh và hội nhập. Thực trạng này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Thực trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến trên 95%. Trong những năm qua, bất chấp khó khăn kinh tế trong nước và quốc tế, số lượng DN thành lập vẫn có xu hướng tăng lên. Cụ thể, số lượng DN thành lập mới năm 2013 đạt 71.018 DN, năm 2014 đạt 74.842 DN và năm 2015 đạt 95.000 DN. Theo Tổng cục Thống kê, về số thành lập mới, riêng trong quý I/2016, cả nước có 23.767 DN, tổng vốn đạt khoảng 186.000 tỷ đồng, tăng 24,8% về số lượng và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân đạt 7,8 tỷ đồng...
Dù đóng góp trên 50% GDP cho nền kinh tế đất nước, nhưng Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI 2015) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, cộng đồng DNNVV gặp nhiều khó khăn khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả hoạt động kinh doanh cũng rất ảm đạm, tỷ lệ các DNNVV thua lỗ tương đối cao, 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa đã mất vốn trong năm gần nhất.
Các DN này có mức độ lạc quan thấp, chỉ có 43% DN siêu nhỏ, 54% DN nhỏ cho biết họ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, DN ở nước ngoài. Phần lớn DNNVV hình thành từ hộ kinh doanh; các DN dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Điều này khiến không ít chuyên gia lo ngại rằng, tới đây, với sức ép hội nhập lớn hơn rất nhiều các DNNVV khó có thể tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và hội nhập thành công được.
Cùng với đó, khi đánh giá về môi trường kinh doanh tại các địa phương năm 2015, DNNVV có cảm nhận tiêu cực hơn các DN lớn trên một số lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ DN. Khoảng 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết, hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên, trong khi đó chi phí cho hoạt động thường xuyên của DN vẫn khá lớn, trong đó tính trung bình, nếu sau một năm hoạt động không hiệu quả và ngừng hoạt động, DN tốn khoản chi phí khoảng 100 triệu đồng cho các loại chi phí này.
Bên cạnh đó, hoạt động khởi sự DN thường mang tính tự phát, thiếu những nghiên cứu, triển khai bài bản, đúng hướng… dẫn tới những thất bại đáng tiếc, trong đó không ít DN phải chấp nhận phá sản. Thống kê cho thấy, số lượng DN giải thể hàng năm không hề nhỏ, chẳng hạn năm 2013 có 60.737 DN giải thể, năm 2014 có 67.823 DN và năm 2015 81.000 DN.
Trong đó, riêng 3 tháng đầu năm 2016, tổng số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động là 20.044, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Với số lượng DN đóng cửa mỗi năm như trên thì con số phí tổn của nền kinh tế là không nhỏ. Điều này không chỉ gây tổn thất cho các chủ DN mà còn gây ra lãng phí các nguồn lực xã hội.
Một số kiến nghị
Theo VCCI, thời gian qua DNNVV chưa phát triển mạnh mẽ bởi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, khó khăn trong nắm bắt thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng về chi phí không chính thức, chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chất lượng cao với chi phí phù hợp.
Nguyên nhân là tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các bộ, ngành, địa phương trong phân bổ nguồn lực và môi trường đầu tư chưa thực sự bình đẳng và có sự phân biệt giữa các loại hình DN.
Hệ thống thị trường hàng hoá, dịch vụ và các yếu tố đầu vào của sản xuất chưa đồng bộ, chưa thông suốt; Nguồn lực để thực hiện chính sách còn rất hạn chế; Công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước chưa được chú trọng nên sự lan tỏa các chính sách tới các vùng, miền và địa phương còn chậm, ít DNNVV biết để tham gia; Vai trò hiệp hội ngành hàng tham gia vào cơ chế điều hành quản lý ngành hàng còn hạn chế; Chính sách hỗ trợ DNNVV chưa có một chiến lược lớn, tổng thể, ngắn hạn và dài hạn phát triển các DNNVV, đặc biệt trong điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế hiện nay...
Trong bối cảnh đó, nhằm giúp các DNNVV gỡ khó, tạo cơ hội phát triển trở thành các DN lớn đúng nghĩa, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, sớm xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm giải quyết những nguyên nhân, tồn tại và hạn chế trong thực hiện trợ giúp DNNVV, qua đó vừa đảm bảo tính đồng bộ của chính sách, vừa có tính hiệu lực pháp lý cao nhất cũng như thúc đẩy việc thực thi.
Hai là, tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các loại hình DN, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Trong đó, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, triết lý văn hóa của DN dân tộc là không phân biệt DN lớn hay nhỏ, DNNN hay tư nhân. Phải có chính sách hỗ trợ các DN này theo đúng nguyên tắc của thị trường và thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp quốc gia phải được thổi vào các DN Việt với một trách nhiệm, niềm tự hào và sự tin tưởng. Đồng tình quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần tính đến việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp quốc gia với những chuyên gia có trình độ, từ các bộ, ngành, một số hiệp hội, các viện nghiên cứu và trường đại học để xây dựng và giám sát việc thực thi chiến lược phát triển khởi nghiệp quốc gia với đủ thẩm quyền và chế độ đãi ngộ thích hợp…
Ba là, thay đổi cách thức hỗ trợ DNNVV. Theo đó, từ trước tới nay, việc hỗ trợ DNNVV chưa được ổn định, thường chỉ khi nào DN khó khăn thì mới hỗ trợ. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ cần thay đổi theo hướng hỗ trợ những DN có tiềm năng cạnh tranh vươn lên gặp khó khăn tạm thời.
Theo đó, nên chọn những DN có tiềm năng nhất để hỗ trợ, để họ có thể vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế, từ đó chúng ta có những DN tư nhân mạnh, trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia. Không chỉ có sự hỗ trợ của Nhà nước, DN cần có sự hỗ trợ của các Hiệp hội, cần có thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh để giúp các DN vươn lên trở thành nơi cung cấp các dịch vụ cho DN lớn.
Bên cạnh đó, cần công khai các tiến độ, mức độ kết quả thực hiện các chương trình dự hỗ trợ DNNVV ở Trung ương và địa phương tạo điều kiện để các DN tiếp cận các tài liệu này dễ dàng hơn, đảm bảo minh bạch hóa thông tin trong tất cả các công đoạn của chương trình, dự án hỗ trợ, góp phần tăng cao hiệu quả của việc hỗ trợ...
Bốn là, nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Hỗ trợ DNNVV đưa hàng vào kho ngoại quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV trong việc tiêu thụ sản phẩm. DNNVV có trách nhiệm góp vốn đầu tư hoặc thuê hạ tầng của kho ngoại quan để sử dụng. Phát triển đồng bộ thị trường hàng hoá, dịch vụ và thị trường các yếu tố đầu vào của sản xuất để tạo điều kiện cho DNNVV hoạt động có hiệu quả, có các nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh…
Năm là, tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý thị trường; Phát triển quan hệ hợp tác giữa DNNVV với DN lớn, giữa DN trong nước với DN FDI; Khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp, các dịch vụ phát triển kinh doanh; Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư tài chính cho các DNNVV tiềm năng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016);
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo về tình hình hoạt động DN quý I/2016;
3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI 2015);
4. Hạnh Nguyên, “Phải có chính sách làm cho các DN dân tộc mạnh lên”, Vietnamnet (2016).