Giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế?

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội cần thể hiện thái độ dứt khoát, làm rõ việc triển khai thực hiện một số chính sách đã ban hành đạt kết quả tới đâu? Bởi người dân đang chờ đợi những động thái tích cực từ phía Chính phủ, Quốc hội để gỡ những nút thắt của nền kinh tế hiện nay.

Theo ông, người dân đang chờ đợi, kỳ vọng gì ở Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội?

Giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế?  - Ảnh 1
TS. Cao Sỹ Kiêm,
Ủy viên Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội
Ông Cao Sỹ Kiêm: Trong năm nay, đặc biệt trong hơn 9 tháng đầu năm, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với khó khăn. Doanh nghiệp khó, nhiều chỉ số kinh tế không cao, thu ngân sách gặp khó. Đấy là điều tất cả chúng ta đều cảm nhận được. T

rước những khó khăn này theo tôi người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi, kỳ vọng Chính phủ, Quốc hội sẽ đưa ra những giải pháp căn cơ để vực dậy nền kinh tế. Như vậy, kỳ họp Quốc hội diễn ra trong bối cảnh này sẽ khiến nhiều người trông đợi, các đại biểu Quốc hội, Quốc hội  sẽ gỡ khó được gì cho nền kinh tế? 

Tôi đi tiếp xúc cử tri và làm việc với các doanh nghiệp thì thấy, hiện nay, cử tri và doanh nghiệp phân tâm và thắc mắc vì chính sách đưa ra nhiều, thông tin giải đáp cũng nhiều nhưng dư luận chưa thấy thông suốt. Người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi, tại Kỳ họp tới đây, trên diễn đàn của Quốc hội, Chính phủ có thể giải đáp cặn kẽ và cụ thể hơn hay không?

Những điều mà người dân chưa thông, cần có câu trả lời thỏa đáng từ phía Chính phủ là gì thưa ông?

Có rất nhiều điều mà nhân dân rất cần câu trả lời thỏa đáng từ phía Chính phủ. Nhưng qua những lần tiếp xúc cử tri và làm việc tôi thấy có 3 câu hỏi lớn.

Thứ nhất,
là tại sao mấy năm nay, nhất là từ khi nước ta gia nhập WTO thì kinh tế của nước ta cứ thụt dần, khoảng cách giữa nền kinh tế nước ta với các nền kinh tế trong khu vực có vẻ cứ doãng dần ra? Trong khi các nước quanh ta đều đã phục hồi nhưng chúng ta vẫn tiếp tục trong tình trạng ì ạch?

Theo số liệu thống kê mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì ngoài Việt Nam chỉ có Brunei (từ 3,4% năm 2011 xuống 0,9% năm 2012) và Singapore (từ 5,2% năm 2011 xuống 1,3% năm 2012) là có sự sụt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một số nước có chuyển biến khá tích cực như: Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012), Campuchia (tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012)… Vậy, sự tăng trưởng chậm lại này xuất phát từ những nguyên nhân nào?

Tôi cho rằng, không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu được nữa. Bởi, nếu đổ lỗi do tình hình khó khăn chung thì tại sao nhiều nước vẫn tăng trưởng mạnh. Những nguyên nhân khiến nền kinh tế không bứt phá được các chuyên gia phân tích rất kỹ.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói rằng, nhận định kinh tế khó do chịu tác động của điều kiện khách quan bên ngoài là không đúng. Bởi đến thời điểm này những yếu tố liên quan đến bên ngoài đều tốt cả, xuất khẩu tốt, đầu tư tốt, FDI tốt nhưng những yếu tố bên trong thì chưa thấy có sự chuyển biến rõ nét nào. Rõ ràng kinh tế của ta khó khăn là do những nguyên nhân nằm trong nội tại của nền kinh tế.

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước mặc dù được hỗ trợ rất nhiều nhưng chưa bật lên được; thậm chí, vẫn không chịu khắc phục những yếu kém. Câu chuyện doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi nhiều, đầu tư lớn nhưng vẫn luôn giở bài kêu lỗ đòi tăng giá đã làm người dân đặt câu hỏi, bao giờ mới bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế? Trái ngược với những ưu ái mà doanh nghiệp nhà nước nhận được thì những năm vừa qua chúng ta phải chứng kiến một loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Tại sao lại như vậy? 

Thứ ba, mặc dù Chính phủ luôn tỏ ra cầu thị, lắng nghe, nhưng việc giải quyết khó khăn đó được bao nhiêu? 

Thế còn về phần trách nhiệm của Quốc hội, thưa ông?

Quốc hội phải thể hiện thái độ dứt khoát với Chính phủ trong việc làm rõ một số các chính sách, chủ trương đã ban hành, những việc triển khai thực hiện kết quả đã được tới đâu? Chẳng hạn, việc triển khai thực hiện gói kích cầu 30 nghìn tỷ đồng hay xử lý nợ xấu, xử lý hàng tồn kho... Chính phủ đã làm đến đâu rồi.

Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành đã tuyên bố việc gì, ban hành chính sách nào thì phải cố gắng làm cho bằng được. Có thể kết quả sẽ chưa thể tốt như mong đợi nhưng về phía người dân và doanh nghiệp sẽ thấy, cơ quan có trách nhiệm đang nói thật làm thật, nói được làm được. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đối với người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt với vấn đề tái cơ cấu mà trọng tâm nhấn vào doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công cần câu trả lời từ Chính phủ là tình hình tái cơ cấu đang ở giai đoạn nào, bước tiếp theo cần làm gì? Cần thêm giải pháp gì để thực hiện tốt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế để nền kinh tế Việt Nam vượt qua khủng hoảng, bứt phá trong tương lai. Nếu Quốc hội không chất vấn tới cùng, thì Quốc hội thực sự chưa tròn trách nhiệm mà nhân dân giao phó.

Trân trọng cảm ơn ông!