Ứng dụng kỹ thuật trong truy xuất nguồn gốc hải sản:

Giải pháp gỡ “thẻ vàng” của EU

Theo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn

Trong bối cảnh Mỹ và EU ngày càng thắt chặt các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp thì việc hỗ trợ, khuyến khích các tàu cá đánh bắt xa bờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm là một đòi hỏi tất yếu.

Các tàu cá nên trang bị phương tiện, kỹ thuật hiện đại để bảo quản hải sản và đảm bảo được truy xuất nguồn gốc. Nguồn: internet
Các tàu cá nên trang bị phương tiện, kỹ thuật hiện đại để bảo quản hải sản và đảm bảo được truy xuất nguồn gốc. Nguồn: internet

Tại Diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp chuyên đề: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Ninh Thuận mới đây, một số tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đã được các chuyên gia giới thiệu.

Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc

Nguồn lợi thuỷ sản ở các vùng biển và đại dương của châu Á - Thái Bình Dương đang bị khai thác quá mức, trong khi đó, có nhiều hoạt động khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, việc khai thác bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU) đã được xác định là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khoẻ của nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái biển. Ở châu Á - Thái Bình Dương, sản lượng bị đánh bắt bất hợp pháp (IUU) hàng năm ước khoảng 1,3-2,7 triệu tấn, chiếm 8-16% tổng lượng khai thác được báo cáo. Tổng giá trị sản lượng bị đánh bắt bất hợp pháp ở châu Á ước khoảng 5,8 tỷ USD mỗi năm. Trên toàn cầu, hàng năm ước tính khoảng 24 triệu tấn hải sản bị khai thác và thương mại trái phép.

Để đáp lại rủi ro từ hoạt động khai thác bất hợp pháp có thể gây ra đối với tính bền vững của nghề cá, nhu cầu về truy xuất nguồn gốc thuỷ sản ngày càng được nâng cao.

Theo cách tiếp cận của Dự án USAID Oceans, cần xây dựng một hệ thống Tài liệu và truy xuất sản lượng (CTD) điện tử minh bạch, bền vững nhằm đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản ở khu vực Đông Nam Á được khai thác hợp pháp và dán nhãn chính xác.

Hệ thống CDT sẽ được tích hợp vào hệ thống thông tin (FIS) tập hợp các dữ liệu được thu thập từ hệ thống CDT với các cổng dữ liệu quốc gia khác đang sẵn có. Hệ thống CDT/FIS được thiết kế để khuyến khích việc thu thập và phân tích các dữ liệu sinh thái học, kinh tế học liên quan đến sản phẩm thuỷ sản thông qua chuỗi cung cấp thuỷ sản, cho phép truy xuất nguồn gốc từ điểm khai thác đến nhập khẩu và điểm cuối chuỗi bán lẻ. Hệ thống tích hợp sẽ hỗ trợ hiệu quả việc theo dõi, giám sát và kiểm soát (MCS) nghề cá quốc gia, vì CDT là một trong những phương pháp có giá trị và toàn diện nhất cho việc thống kê nghề cá với mức chi phí phù hợp.

Trong bối cảnh của thị trường thuỷ sản Đông Nam Á hiện tại, CDT sẽ giúp các đối tác và chính phủ giải quyết một số vấn đề chính, bao gồm khai thác bất hợp pháp, dán nhãn sản phẩm sai thông tin, các vấn đề về an toàn thuỷ sản, hợp pháp, an toàn và các thực hành công bằng lao động, bình đẳng giới trong ngành thủy sản.

Hiểu một cách đơn giản, CDT nghĩa là ngay sau khi khai thác, một đường dẫn đầy đủ đối với sản phẩm thuỷ sản có thể được truy xuất, theo dõi từ tàu cá đến bàn ăn của người tiêu dùng. Trong chuỗi cung cấp thuỷ sản, Dự án USAID Oceans and Fisheries partnership đề xuất nhằm hỗ trợ truy xuất nguồn gốc từ điểm bảo quản lạnh và vận chuyển hàng trong chuỗi (ở nơi có các tiêu chuẩn tồn tại) ngược lại đến nhà chế biến và khai thác (nơi mà các tiêu chuẩn ít được xây dựng). Mục tiêu là nhằm thúc đẩy truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch cho sản phẩm thuỷ sản trong các hệ thống thông tin thủy sản hiện có (do các cơ quan quản lý thủy sản điều hành), các hệ thống nhập khẩu và nhập khẩu “một cửa” (do các cơ quan hải quan điều hành) và hệ thống báo cáo, hậu cần và hệ thống kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp (vận hành bởi người khai thác và chế biến trong chuỗi cung ứng).

Ứng dụng điện tử trong giám sát sản lượng đánh bắt cá ngừ

Một phương pháp tiếp cận điện tử mới để giám sát các đội tàu đánh bắt cá ngừ đang được thử nghiệm để cải thiện tính kịp thời và chính xác của dữ liệu đánh bắt, sự minh bạch của các chuỗi cung ứng cá ngừ và sự an toàn của các quan sát viên trên tàu là một bộ các ứng dụng báo cáo điện tử cho các tàu đánh cá và các cán bộ quản lý tại cảng được phát triển.

Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC), một tổ chức khoa học và kỹ thuật của khu vực tập trung vào phát triển, đã tạo ra ứng dụng Báo cáo trên thuyền cho các thuyền trưởng để báo cáo bằng điện tử về dữ liệu đánh bắt.

Tất cả các tàu đánh cá bằng lưới kéo của PNA cũng có các quan sát viên độc lập trên tàu. Các nhà quan sát trên tàu thu thập số liệu về số lượng, thành phần, và kích thước của các loài cá đánh bắt bằng các tàu đánh cá thương mại, cũng như các dụng cụ được sử dụng và sản lượng đánh bắt không mong muốn.

Các ứng dụng báo cáo điện tử truyền dữ liệu được thu thập bởi các thuyền viên, thuyền trưởng hoặc quan sát viên trên tàu trên máy tính bảng và được truyền trực tiếp tới các cơ quan chức năng qua vệ tinh. Ứng dụng này sẽ thay thế hệ thống lưu trữ hồ sơ dựa trên giấy tờ hiện tại và cho phép người dùng lập hồ sơ và báo cáo bằng điện tử về các nỗ lực và thu thập số liệu thống kê theo thời gian thực. Thông tin sau đó sẽ được cung cấp ngay cho các cán bộ, những người có thể thu thập dữ liệu đánh bắt và điều chỉnh hoạt động quản lý một cách kịp thời.

Một ứng dụng riêng gọi là TAILS cũng được SPC phát triển và cung cấp trên các máy tính bảng cho các cán bộ quản lý thủy sản tại các bến cảng chính xung quanh Thái Bình Dương. Ứng dụng này bổ sung cho các ứng dụng giám sát trên tàu bằng cách cho phép các cán bộ quản lý tại cảng nhập kích cỡ và thành phần của mỗi lần đánh bắt, bao gồm dữ liệu đánh bắt và nỗ lực của ngư dân khai thác thủ công quy mô nhỏ.

Sarah O’Brien, Quản lý cấp cao Sáng kiến cá ngừ Thái Bình Dương cho Quỹ Bảo vệ Môi trường, đơn vị hỗ trợ dự án cùng với WWF, cho biết: “Các máy tính bảng và công nghệ liên quan sẽ hỗ trợ tiến tới các hệ thống thu thập dữ liệu hiệu quả hơn, cho phép các nhà quản lý thủy sản thu thập dữ liệu về sản lượng đánh bắt và nỗ lực kịp thời và chính xác hơn”.

PNA là đội tàu đầu tiên ở khu vực Thái Bình Dương áp dụng công nghệ này như một phần của chương trình giám sát và quản lý thủy sản của họ. Các thuyền trưởng thuyền đánh cá ở các nước thành viên PNA đang học cách sử dụng ứng dụng OnBoard để báo cáo nỗ lực và dữ liệu đánh bắt, trong khi các thanh tra cảng đã được học cách sử dụng ứng dụng TAILS để thu thập dữ liệu về kích cỡ và thành phần của các sản lượng cá đánh bắt thương mại.

Tại một hội thảo của SPC vào tháng 4 năm 2017, Hosken và các đồng nghiệp đã tập huấn cho các cán bộ quản lý thủy sản từ 9 nước Thái Bình Dương sử dụng các ứng dụng và máy tính bảng mà họ sẽ chia sẻ với các đồng nghiệp ở các quốc gia của họ. WWF và EDF đang cung cấp các thiết bị cần thiết - máy tính bảng và máy phát vệ tinh - để cho các thuyền trưởng, các quan sát viên và các cán bộ quản lý cảng trong nghề khai thác cá bằng lưới kéo của PNA bắt đầu sử dụng hệ thống.

Các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chức năng mong đợi hệ thống báo cáo điện tử mới này sẽ giúp giảm tình trạng đánh bắt IUU vẫn tồn tại trong khu vực.

Ông Maurice Brownjohn, Giám đốc thương mại của PNA, cho biết: “Quá trình chuyển đổi sang báo cáo điện tử, dữ liệu từ các nhật ký tàu và các báo cáo của quan sát viên đến việc kiểm tra tại cảng, là bước đi hợp lý hướng tới việc xác minh và xác nhận hợp lý chuỗi cung ứng của chúng tôi trong thời gian thực”.

Hy vọng những ứng dụng này sẽ sớm được ngành chức năng chuyển giao đến ngư dân để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Đến cuối năm 2016, cả nước có hơn 33.000 tàu cá xa bờ công suất trên 90CV. Tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ tăng nhanh, đạt trên 1400 nghìn tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng khai thác hải sản.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2016 từ các loài hải sản khai thác ngoài tự nhiên đạt khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó 90% là giá trị sản phẩm của các tàu xa bờ.