Giải pháp góp phần hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng lao động, nhiều người lao động phải bỏ nơi làm việc về quê sinh sống, không có thu nhập, không có công việc. Những người lao động còn có công việc thì phải chịu chi phí tăng cao, thu nhập sụt giảm...
Để giải quyết những khó khăn do dịch bệnh gây ra, tác giả bài viết mong muốn đưa ra một số giải pháp góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống…
1. Những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến cuộc sống người lao động
- Người lao động thất nghiệp, giảm việc, giảm thu nhập
Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý III/2021 và 9 tháng năm 2021, thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Tình hình lao động việc làm quý III của thị trường lao động cho thấy, số người có việc làm giảm đáng kể so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện đến nay. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, quý III/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Theo đó, người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng về thu nhập nặng nhất, với mức thu nhập bình quân đạt 6,2 triệu đồng/tháng, giảm 13,5% so với quý trước. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân đạt 5,8 triệu đồng/tháng, giảm 13,2% so với quý trước. Thu nhập bình quân của lao động quý III/2021 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rằng, gần 19% người lao động còn đang đi làm bị giảm lương tới 50%. Trong số 26.378 người tham gia khảo sát trả lời đang có việc, 42% người trả lời cho biết hình thức làm việc của họ hoàn toàn là online, gần 29% trả lời đang làm việc với hình thức 50% thời gian online và 50% thời gian tại công sở. Gần 15% cho biết họ làm việc 100% thời gian tại nơi làm việc. Trong số người lao động đang có việc làm, chỉ có 7% làm việc theo mô hình "3 tại chỗ".
Về vấn đề tiền lương, 45% cho biết tiền lương của họ giữ nguyên. Số lao động trả lời được tăng lương chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,4%. Gần 19% cho biết họ có việc làm nhưng tiền lương giảm 50%. Bên cạnh đó, 13,6% lao động đang có việc trả lời tiền lương của họ bị giảm 20% và lý do này tập trung vào nhóm lao động đang duy trì làm việc online. Số lao động có việc làm nhưng lương giảm tới 80% hoặc nhận lương tùy thuộc vào sản phẩm làm ra trong tháng chiếm tỷ lệ tương ứng lần lượt là 4,5% và 11,7%.
Như vậy, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề cho người lao động không chỉ mất việc, mất thu nhập, mà thậm chí những người đang đi làm cũng phải chịu những tác động không hề nhỏ.
- Người lao động chịu phát sinh tăng nhiều khoản chi phí
Cũng theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện vào đầu tháng 8/2021 đối với trên 69.000 người lao động về vấn đề chi phí phát sinh do tác động của đợt dịch lần thứ tư bùng phát cho thấy, người lao động phải chịu thêm nhiều loại chi phí phát sinh tăng trong thời điểm này.
Thứ nhất, chi phí phát sinh tăng cao nhất chiếm 41,2% lựa chọn của người tham gia khảo sát là chi phí đầu tư trang thiết bị cho con cái phục vụ việc học. Do thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết tại các tỉnh, thành phố, trẻ em đều được ở nhà học trực tuyến không phải đến trường. Các gia đình phải mua sắm thêm các thiết bị cho con học trực tuyến, nên chi phí tiền điện, tiền internet, tiền kết nối 3G, 4G đều tăng.
Thứ hai, khoản chi phí tăng thứ hai với hơn 28% người tham gia khảo sát phải chi trả là phí phát sinh chăm sóc người thân bị cách ly. Các khoản chi phí này bao gồm tiền thuê nhà/khách sạn/nhà trọ, tiền ăn uống cho người thân trong gia đình bị mắc kẹt trong các vùng/thành phố cách ly không về nhà được; hoặc tiền chi trả cho người giúp việc để nuôi dưỡng bố mẹ già/trẻ em đối với người bị cách ly chi trả cho người ở vùng không cách ly hoặc ngược lại; hoặc đối với những cán bộ phải đi công tác làm nhiệm vụ chống dịch; chi phí cho người thân ở các thành phố khác do mất việc làm vì COVID-19.
Bên cạnh đó, chi phí trả cho cá nhân người lao động hoặc cho người thân của họ trong khu vực cách ly chiếm 13,3% số người lao động trả lời. Chi phí này gồm chi phí tự trả, khi người bị cách ly lựa chọn cơ sở cách ly có trả tiền, hoặc chi phí gửi đồ ăn vào các khu vực cách ly của nhà nước.
Thứ ba, khoản chi phí liên quan đến xét nghiệm để được phép di chuyển giữa các tỉnh/thành phố, có 22,9% người tham gia khảo sát xác nhận phải thực hiện chi trả.
Thứ tư, không thể không đề cập đến những khoản chi phí phát sinh gồm chi phí lương thực, thực phẩm, điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả lãi vay ngân hàng. Người lao động, đặc biệt là tại các nơi thực hiện giãn cách như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,… phản ánh, dù duy trì mức sinh hoạt tối thiểu, nhưng họ vẫn phải trả cho giá lương thực, thực phẩm tăng hơn so với trước đây.
Thực tế cho thấy, đời sống của người lao động phần lớn đều gặp khó khăn do tiền lương thấp và ít, thậm chí không có thu nhập. Do đó, tình trạng thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người lao động, mà còn tác động trực tiếp đến gia đình của họ, nhất là những đối tượng lệ thuộc kinh tế vào người lao động, như: cha mẹ không còn khả năng lao động, hoặc con cái chưa đủ tuổi vị thành niên. Khi người lao động bị mất việc làm,đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính yếu, sẽ dẫn đến tình trạng không có đủ khả năng để bảo đảm mức sống tối thiểu cho gia đình.
2. Giải pháp góp phần hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất - kinh doanh của người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách này đã góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động. Qua đó, thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bên cạnh những hỗ trợ từ phía Chính phủ, người lao động vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, bài viết đưa ra một số đề xuất nhằm hỗ trợ người lao động như sau:
Thứ nhất, các đơn vị thực thi chính sách hỗ trợ cần rà soát, đơn giản hóa thủ tục nhận tiền chính sách; có chính sách linh hoạt và dễ tiếp cận hơn đối với các đối tượng dễ bị tổn thương; quản lý tốt việc phân bổ quỹ hỗ trợ, đảm bảo công bằng, tránh bị tham nhũng, thất thoát. Kế hoạch hỗ trợ cần tăng tốc, đáp ứng tính thời điểm cho công nhân và người lao động đang bị tạm ngưng hoặc mất việc để họ yên tâm thực hiện giãn cách, tránh tình trạng người dân quá lo lắng di chuyển về các địa phương gây lây lan chéo và tạo gánh nặng về các địa phương. Thậm chí, các gói hỗ trợ cho người dân được chuyển thẳng tiền đến tài khoản hoặc bằng tiền mặt tại nhà mà không cần qua các bước thủ tục. Bởi những người nghèo thực sự sẽ không tiếp xúc được với các phương tiện thông tin đại chúng để biết về các chính sách cũng như các thủ tục liên quan.
Thứ hai, các huyện, thị xã, thành phố cũng cần xây dựng phương án, giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế của địa phương nhằm duy trì tốt hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực triển khai các hoạt động khôi phục thị trường lao động, chuẩn bị sẵn các giải pháp thiết thực để mở rộng thị trường lao động, nhất là quan tâm đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Thứ ba, để giải quyết các khó khăn về lương/thu nhập, chế độ làm việc, người lao động đề xuất có chính sách mới về lao động, quy định rõ ràng các công việc được phép làm online và quy định mức lương; có chính sách khuyến khích làm việc online, không cắt giảm lương nếu làm online,… Có ngân sách để hỗ trợ người lao động thất nghiệp các chi phí xét nghiệm, đi lại, huấn luyện đào tạo,… trước khi có được việc làm thời vụ. Đồng thời, có chính sách ưu đãi cho người đang vay nợ ngân hàng là cá nhân mua nhà trả góp hoặc cá nhân vay vốn kinh doanh, vay vốn sinh viên trong giai đoạn giãn cách và sau giãn cách từ 2 - 4 tháng; bình ổn thị trường tiêu dùng; tháo gỡ những quy trình làm chậm công tác cứu trợ,...
Thứ tư, địa phương cần tạo điều kiện, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án tái sản xuất - kinh doanh trong tình hình dịch bệnh và sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt; có chính sách hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu sau thời gian giãn cách xã hội. Từ đó, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khôi phục sản xuất bằng nhiều giải pháp, kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm phí, lệ phí, thuế, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thứ năm, các giải pháp trong thời gian tới như tiếp tục triển khai và xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, thống nhất chủ trương duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong thúc đẩy tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch liên quan đến giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong những tháng cuối năm, hướng đến mục tiêu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu việc làm đã đề ra trong kế hoạch năm; đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường lao động, xây dựng mạng lưới dịch vụ việc làm trong tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động kịp thời.
Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng phương án triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp thích ứng với tình hình thực tế dịch bệnh theo các cấp độ phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo được chương trình và chất lượng đào tạo; xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội vì đây là nhóm yếu thế ít có khả năng tự ứng phó trước biến động nghiêm trọng và dài hạn như dịch COVID-19 để tránh nguy cơ tái nghèo hoặc nghèo hóa của nhóm đối tượng này.
Những biện pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (2021), Khảo sát ảnh hưởng của COVID -19 đến người lao động.
- Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo hoạt động kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021.
- Phạm Thị Bạch Tuyết (2014), Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Đại học Khoa học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 60/2014.