Giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam
Thống kê sơ bộ cho thấy, ở Việt Nam, đã có một thời gian dài tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế luôn ở mức trên 20%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn rất nhiều như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia... chỉ khoảng 7-10%.
Việc hạn chế tình trạng đô la hóa ở các nước là vấn đề mang tầm vĩ mô, không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều” có thể giải quyết. Bài viết tập trung làm rõ bản chất, nguyên nhân, tác động của tình trạng đô la hóa đến các nền kinh tế và thực trạng đô la hóa ở Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đô la hóa đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tổng quát về hiện tượng đô la hóa
Quan điểm về hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế
Đô la hóa là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng, bao gồm: Tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ. Hiện tượng đô la hóa được phân ra làm 3 loại sau:
- Đô la hóa không chính thức: Là trường hợp đồng đô la được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế, mặc dù không được quốc gia đó chính thức thừa nhận. Các nước ở trong tình trạng này, phần lớn người dân đã quen với việc sử dụng đồng đô la, nhưng Chính phủ vẫn cấm niêm yết giá hàng hóa bằng đô la, cấm sử dụng đô la để chi trả trong hầu hết các giao dịch trong nước.
- Đô la hóa bán chính thức (đô la hóa từng phần): Là tình trạng đồng đô la được sử dụng như một đơn vị kế toán, phương tiện trao đổi, dự trữ giá trị và phương tiện thanh toán, trong khi đồng nội tệ vẫn tồn tại và lưu thông. Đồng đô la có chức năng như một đồng tiền hợp pháp thứ hai của nền kinh tế. Các nước trong tình trạng này vẫn duy trì một ngân hàng trung ương để thực hiện chính sách tiền tệ của họ.
- Đô la hóa chính thức (đô la hóa hoàn toàn): Là tình trạng xảy ra khi đồng ngoại tệ là đồng tiền hợp pháp duy nhất được lưu hành. Nghĩa là, đồng ngoại tệ không chỉ được sử dụng hợp pháp trong các hợp đồng giữa các bên tư nhân, mà còn hợp pháp trong các khoản thanh toán của Chính phủ. Nếu đồng ngoại tệ còn tồn tại thì nó chỉ có vai trò thứ yếu và thường chỉ là đồng tiền xu hay các đồng tiền mệnh giá nhỏ. Thông thường, các nước chỉ áp dụng đô la hóa chính thức khi đã thất bại trong việc thực thi các chương trình ổn định kinh tế.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế
Về lý thuyết, một khi người dân mất lòng tin vào chính sách tiền tệ quốc gia do tỷ lệ lạm phát không ổn định trong thời gian dài và ngày càng có chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, cộng với việc tỷ giá hối đoái giảm, điều này khiến chi phí bảo hiểm rủi ro đối với các tài sản danh nghĩa bằng đồng nội tệ tăng cao, tức chủ sở hữu tài sản phải mất nhiều tiền hơn để đảm bảo độ an toàn cho tài sản của mình trước tình trạng tỷ giá luôn biến động không ngừng. Trước thực trạng đó, người dân sẽ chuyển các tài sản danh nghĩa sang một đồng tiền ổn định hơn, trong đó có đồng đô la Mỹ (USD), hoặc đầu tư vào các tài sản thực.
Một số quốc gia có mức tiết kiệm thấp và thời hạn tương đối ngắn của các loại tiền gửi, giấy tờ có giá… đã buộc Nhà nước phải đi vay các ngân hàng nước ngoài bằng đồng ngoại tệ mà thông dụng nhất vẫn là USD, dẫn đến việc đô la hóa các khoản nợ này.
Tác động của tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế
Về mặt tích cực, đô la hóa có các tác động sau: (i) Tạo van giảm áp lực đối với nền kinh tế trong những thời kỳ lạm phát cao, kinh tế vĩ mô không ổn định; (ii) Duy trì được một tỷ lệ lạm phát lý tưởng để tăng tính an toàn cho các loại tài sản tư nhân, khuyến khích tiết kiệm và cho vay dài hạn; (iii) Tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế; (iv) Hạ thấp các chi phí giao dịch thương mại có liên quan đến ngoại hối và rủi ro về tỷ giá hối đoái; (v) Thu hẹp chênh lệch tỷ giá trên hai thị trường chính thức và phi chính thức.
Về mặt tiêu cực, đô la hóa có các tác động sau: (i) Ảnh hưởng đến việc hoạch định và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô của quốc gia bị đô la hóa, (ii) Chính sách tiền tệ của một quốc gia bị phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Mỹ; (iii) Làm mất đi chức năng của ngân hàng trung ương - vốn là người cho vay cuối cùng của hệ thống ngân hàng.
Thực trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam
Trong thập kỷ qua, mặc dù lạm phát đã được kiểm soát và có xu hướng ổn định ở mức thấp, đô la hoá vẫn còn là hiện tượng phổ biến ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam luôn đang trong tình trạng đô la hóa không chính thức (Hình 1), tỷ lệ đô la hóa thường lớn hơn 20% (giai đoạn trước năm 2010) và lớn hơn 10% (giai đoạn sau năm 2010). Cụ thể, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam có thể khái quát qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1992-1996: Mức độ đô la hóa ở Việt Nam là khá cao, đặc biệt trong 3 năm (1992, 1993 và 1994), tỷ lệ này luôn cao hơn 30%, Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam ở thời điểm đó đang ở trong tình trạng đô la hóa bán chính thức. Năm 1992, cùng với đà tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế kể từ sau công cuộc đổi mới, lượng tiền gửi bằng USD đã chiếm đến 40% tổng lượng tiền gửi vào các ngân hàng. Đây là con số rất đáng báo động trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vừa bước ra khỏi giai đoạn trì trệ, bao cấp và dần chuyển hướng sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Giai đoạn 1996-2001: Mức độ đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam vẫn khá cao và luôn ở mức trên 20%. Trong vòng 5 năm, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trong tổng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tại Việt Nam tăng từ 20% lên đến 31,5%. Xu hướng này là do người dân và các doanh nghiệp đã tăng cường việc gửi ngoại tệ vào tài khoản ngân hàng nhằm mục đích đảm bảo an toàn tài sản do những quan ngại trước những dấu hiệu bong bóng kinh tế của Thái Lan vốn đang tăng trưởng rất nhanh và mạnh so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này khiến cho tỷ lệ đô la hóa ở Việt Nam trong giai đoạn này tăng nhanh, bất chấp những chính sách điều tiết của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
- Giai đoạn 2001-2003: Tỷ lệ đô la hóa kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 20%, tức Việt Nam vẫn đang trong tình trạng đô la hóa không chính thức, tuy nhiên đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Cụ thể là trong vòng 2 năm, bằng nỗ lực của Chính phù và Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ đô la hóa đã giảm mạnh từ mức 31,5% xuống chỉ còn 21%.
- Giai đoạn 2003-2010: Có thể thấy, tình trạng đô la hóa ở Việt Nam vẫn còn là một bài toán nan giải cho các nhà hoạch định chính sách, bởi sau những nỗ lực nhất định nhằm kiềm chế tốc độ tăng của tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế, thì tỷ lệ này vẫn luôn ở trên mức 20%, kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng đô la hóa không chính thức.
- Giai đoạn 2010 đến nay: Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp và công cụ điều hành, nhất là sự phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD. Vào thời điểm tháng 8/2015, thị trường ngoại tệ trong nước chịu áp lực rất lớn từ biến động bất thường trên thị trường quốc tế (Trung Quốc phá giá CNY), tỷ giá tăng chạm trần, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm đối với tổ chức vào nửa cuối năm 2015; đồng thời, tích cực bán ngoại tệ can thiệp; tích cực truyền thông; từ năm 2016, chuyển sang điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, từ năm 2015 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường được giải tỏa, thanh khoản thị trường cải thiện, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm, nhờ đó tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục có xu hướng giảm.
Đã có nhiều phân tích, đánh giá nguyên nhân của hiện tượng đô la hóa, vẫn tồn tại có thể tổng kết, lại những nguyên nhân sau:
Một là, đô la hóa do nhu cầu thanh toán quốc tế gia tăng và do ảnh hưởng của các dòng vốn quốc tế. Kể từ khi thực hiện mở cửa nền kinh tế, kim ngạch xuất, nhập khẩu và các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, bởi vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu nắm giữ một lượng ngoại tệ lớn để phục vụ nhu cầu mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế.
Hai là, kiều hối gia tăng cùng với các quy định cho phép các cá nhân nắm giữ ngoại tệ dưới hình thức tiết kiệm và tài khoản ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng, cất giữ dưới dạng ngoại tệ tiền mặt.
Ba là, đô la hóa do chưa cân bằng lợi ích nắm giữ giữa VND và USD, chủ yếu do biến động về tỷ giá, lãi suất thực tế và kỳ vọng, nhất là khi VND chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, lạm phát của Việt Nam tương đối cao so với các nước trên thế giới và khu vực.
Bốn là, mặc dù, Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH ngày 18/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối quy định, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối trừ một số trường hợp, nhưng trên thực tế, việc thực thi và xử lý các quy định pháp lý này chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng quản lý thị trường... nên giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ tiền mặt vẫn tồn tại trên thị trường tự do.
Đề xuất giải pháp khắc phục
Để khắc phục tình trạng đô la hóa, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, đố với cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, cần có những đánh giá về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối ở Việt Nam trong thời gian qua, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Hai là, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá cần theo hướng tăng lợi ích nắm giữ VND ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng đồng nội tệ, hạn chế sử dụng ngoại tệ. Công cụ có thể sử dụng là tăng dự trữ bắt buộc áp dụng đối với tiền gửi ngoại tệ cao hơn nhiều so với dự trữ bắt buộc áp dụng đối với tiền gửi (có nước đã tăng dự trữ bắt buộc lên tới mức 30 - 50% áp dụng đối với tiền gửi ngoại tệ nhằm thu hẹp quy mô nắm giữ đồng ngoại tệ) hay trần lãi suất đối với tiền gửi ngoại tệ.
Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý ngoại hối trên phạm vi cả nước, thuộc mọi thành phần kinh tế, phải đảm bảo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần có chế tài xử phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý ngoại hối.
Bốn là, đi đôi với việc giám sát và xử lý nghiêm việc thực hiện các quy định về quản lý ngoại hối, đảm bảo tại Việt Nam các giao dịch được thực hiện bằng tiền Việt Nam, các ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế cần tăng phí đổi tiền lên cao để người dân hạn chế nắm giữ ngoại tệ, chuyển sang nắm giữ VND.
Tài liệu tham khảo:
1. Saga (2015), Đôi nét về quá trình đô la hóa tại Việt Nam, https://www.saga.vn/doi-net-ve-qua-trinh-do-la-hoa-tai-viet-nam~34426;
2. Phạm Thị Hoàng Anh (2017), Dollarization and De-dollarization Policies: The Case of Vietnam, https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-319-57768-5_5;
3. Thời báo Tài chính Việt Nam (2018), Hạn chế tình trạng đô la hóa, nâng cao vị thế VND, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2018-01-13/han-che-tinh-trang-do-la-hoa-nang-cao-vi-the-dong-vnd-52625.aspx>.