Đến năm 2030, khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế

PV.

Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ là một trong những mục tiêu chống tình trạng đô la hóa được đặt ra tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hạn chế đô la hóa là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung giải quyết nhiều năm nay. Trần lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam đã được đưa về 0%/năm vào nửa cuối năm 2015. Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú được ban hành ngày 08/12/2015 cũng đã "siết" nhu cầu vay vốn ngoại tệ doanh nghiệp, giới hạn chỉ 5 đối tượng được tiếp cận vốn vay USD.

Nhờ vậy, nếu như cách đây 10 năm, tổng số dư tiền gửi USD trên tổng số dư tiền gửi của toàn nền kinh tế chiếm khoảng 25% thì hiện nay con số này còn khoảng 8%.

Để tiếp tục giải quyết bài toán đô la hóa nền kinh tế, Quyết định số 986/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 08/8/2018 đã đặt ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Tại Quyết định, Thủ tướng cũng giao NHNN tập trung xây dựng và triển khai Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự kiến, Đề án này sẽ được NHNN trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2018.