Công cụ về thuế, phí, lệ phí kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch
Trong gần hai năm qua, để khắc phục tác động tiêu cực và giúp nền kinh tế vượt qua thách thức của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó một số công cụ về thuế, phí, và lệ phí.
Hệ thống chính sách, quản lý thuế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế
Theo Tổng cục Thuế, hệ thống chính sách, quản lý thuế hiện hành với những cải cách mạnh mẽ hướng đến nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, loại hình DN, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc quy định nghĩa vụ thuế và ưu đãi thuế áp dụng thống nhất cho các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia và các vùng, miền trong cả nước.
Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã sửa đổi phạm vi điều chỉnh, đảm bảo bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý thuế.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính. Trong đó, có cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế được quy định thống nhất trong tất cả các khâu của quản lý thuế: từ khâu khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế đến quản lý nợ thu, thanh tra, kiểm tra thuế...
Bên cạnh đó, các quy định các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử, quản lý thuế điện tử, đặc biệt là tạo cơ sở để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số...
Để hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định thuộc lĩnh vực thuế; Bộ Tài chính đã ban hành 9 thông tư hướng dẫn. Trong đó, một trong những nội dung nổi bật về quản lý thuế mới là áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các DN phải sử dụng hoá đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ để góp phần khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hoá đơn giấy, giảm chi phí cho người nộp thuế, nâng cao tính cạnh tranh của toàn nền kinh tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn, phục vụ xây dựng quản lý thuế điện tử. Quy định về nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hoá đơn; áp dụng hoá đơn khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ; cơ sở dữ liệu về hoá đơn điện tử, chứng từ điện tử...
Nhằm đồng hành và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh chuyển đổi hóa đơn điện tử thuận lợi nhất và thực hiện theo thẩm quyền được giao tại Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 01/7/2022; với nhiều quy định mới và thay đổi về hóa đơn, chứng từ.
Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022.
Các chính sách hỗ trợ DN, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19
Để khắc phục tác động tiêu cực và giúp nền kinh tế vượt qua thách thức của dịch bệnh, Việt Nam đã kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN và người dân.
Trong đó, một số công cụ về thuế, phí, và lệ phí và tiền thuê đất áp dụng trong thời gian qua được cộng đồng DN và người dân đánh giá là kịp thời, theo dõi sát hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân trong mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Các chính sách được ban hành đã nghiên cứu các biện pháp về chính sách tài khoá nói chung, về thuế nói riêng của các quốc gia trên thế giới, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.
Có thể kể đến một số chính sách như: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2020 và 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong năm 2020; Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên; Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với Tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm; Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; Giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 để hỗ trợ ngành Hàng không...
Bên cạnh đó là các quyết sách như: Giảm trừ nghĩa vụ thuế TNCN; giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đến hết ngày 31/12/2021; Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025...
Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, nhằm chia sẻ khó khăn với DN, người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nêu trên. Trong đó, hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm: Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; Miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021; Giảm mức thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020...