Giải pháp Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Trong những năm qua, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã được sửa đổi, bổ sung liên tục để phù hợp hơn với thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện BHYT nhằm tiếp tục phát huy tác động tích cực trong đời sống xã hội nước ta.
Những kết quả nổi bật của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Các chính sách về BHXH, BHYT đã từng bước được đổi mới, gắn kết hơn với hệ thống an sinh xã hội, hướng vào phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội. Cụ thể:
Về bảo hiểm xã hội
Sau khi Bộ luật Lao động ra đời, Luật BHXH có hiệu lực, việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến nay, chính sách BHXH đã chuyển dần từ tự nguyện sang chính sách bắt buộc và tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức với sự tham gia rộng rãi của người dân. Đáng chú ý, chính sách BHXH có sự chia sẻ giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động ở các mức độ khác nhau, tính chất chia sẻ này góp phần quan trọng để thay đổi tích cực hơn nhận thức của người dân, giảm bớt sự ỷ lại vào Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tăng tính bền vững cho chính sách.
Tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng số kết dư Quỹ BHXH ước đạt 540.004 tỷ đồng, trong đó: Quỹ Ốm đau, thai sản số chi bằng 97,61% số thu và kết dư 14.688 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số chi bằng 10,87% số thu và kết dư 36.885 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí và tử tuất số chi bằng 57,19% số thu và kết dư 488.431 tỷ đồng. Tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có số chi bằng 47,96% số thu và kết dư là 67.320 tỷ đồng. Về số người tham gia BHXH, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến tháng 11/2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,56 triệu người (trong đó, BHXH bắt buộc là 14,31 triệu người, đạt 97,7% kế hoạch năm; BHXH tự nguyện là 254 nghìn người, đạt 76,6% kế hoạch năm); BHTN là 12,24 triệu người, đạt 95,2% kế hoạch năm. Tính đến tháng 11/2018, cả nước đã có 14,47 triệu người được cấp sổ BHXH, đạt 99,35% so với số người tham gia BHXH.
Toàn ngành BHXH đã rà soát, bàn giao được 13.128.858 sổ BHXH cho người lao động, đạt 99,66% trên tổng số lao động đang tham gia BHXH. Các chính sách BHXH đã thể hiện tính công bằng thông qua nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ. Quỹ Bảo hiểm hưu trí - tử tuất với mô hình tích lũy đang là quỹ dài hạn có tính chất chia sẻ giữa các thế hệ người lao động, các quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp). Thống kê cho thấy, ngành BHXH đã hoàn thành việc cấp mã số BHXH và thẻ BHYT theo mã số BHXH cho gần 90 triệu người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, đã đồng bộ được dữ liệu thông tin cho trên 66,6 triệu bản ghi dữ liệu người tham gia BHYT và hoàn thành việc cấp 16,6 triệu thẻ BHYT theo mã số BHXH. Bàn giao được gần 10 triệu sổ BHXH cho người lao động, đạt gần 70% số sổ phải bàn giao và dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch trả sổ BHXH cho người lao động.
Về bảo hiểm y tế
Trong những năm qua, ngành BHXH đã đạt được kết quả tích cực trong phát triển đối tượng tham gia BHYT với tỷ lệ dân số tham gia tăng nhanh. Năm 2015, số người tham gia BHYT là 69.972.000 người, chiếm tỷ lệ 76% dân số; năm 2016 là 75.832.000 người, chiếm tỷ lệ 81,7% dân số; đến cuối năm 2017, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 85,6%, tăng 3,4% so với tỷ lệ Chính phủ giao. Đến tháng 8/2018, số người tham gia BHYT đạt trên 87% dân số cả nước, vượt mục tiêu đặt ra (đến năm 2020 bao phủ 85% dân số cả nước). Điều này cho thấy, các nội dung trong phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Luật BHYT đã thực sự hiệu quả.
Cùng với kết quả trên, việc các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ BHYT theo Nghị quyết số 18/2008/QH12, Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã giao quyền tự chủ cho cơ sở KCB đã tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi đối với người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số. Số lượt người tham gia KCB BHYT tăng đều qua từng năm: Năm 2015 có 130 triệu lượt (tần suất KCB trung bình là 1,85 lần/người/năm).
Năm 2016 có 148 triệu lượt người KCB (tần suất KCB trung bình là 1,89 lần/người/năm). 6 tháng đầu năm 2018 có khoảng 85 triệu lượt KCB, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017 (KCB ngoại trú tăng 9,4%, KCB nội trú tăng 7,2%). Tần suất KCB này phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ KCB của người dân. Chỉ số này tương đối ổn định trong nhiều năm qua (trung bình 1 người đi KCB 2 lần/năm). Điều này cho thấy, việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt KCB chung.
Trong công tác thu, chi Quỹ BHYT, trong giai đoạn từ 2009 - 2015, luôn có kết dư. Riêng năm 2016, số thu BHYT từ KCB ước đạt 64.242 tỷ đồng và số chi ước đạt 69.410 tỷ đồng. Nguyên nhân bội chi Quỹ BHYT chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi... Mặc dù, số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào Quỹ Dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, Quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng.
Năm 2017, khi Quỹ BHYT bội chi khoảng trên 10.000 tỷ đồng đã được bổ sung từ Quỹ Dự phòng. Đến hết năm 2017, Quỹ BHYT bội chi 9.278 tỷ đồng, số kết dư đến cuối năm 2017 là 39.977 tỷ đồng và dự báo với tốc độ bội chi hiện nay cùng với các giải pháp kiểm soát chi chặt chẽ thì Quỹ BHYT có thể đảm bảo cân đối được ít nhất đến năm 2021. Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng BHYT trong ngắn hạn.
Khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Bên cạnh kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, việc thực thi các chính sách này hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn thách thức sau:
Về chính sách bảo hiểm xã hội
Chính sách BHXH đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Tỷ lệ bao phủ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu và chất lượng an sinh xã hội; Các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW chưa đạt như kỳ vọng. Tính đến hết ngày 31/12/2017, tỷ lệ tham gia mới đạt được gần 29% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia vẫn còn khoảng 71,2% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH; BHTN mới đạt gần 25% lực lượng lao động tham gia. Kết quả này cho thấy, mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW là khó có thể đạt được đến năm 2020.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế chính thức cũng chưa đạt được tỷ lệ bao phủ 100%, khu vực kinh tế phi chính thức dù đã có chính sách (Luật BHXH năm 2014) nhưng đến nay chưa bố trí nguồn lực hỗ trợ từ NSNN, không có bước tiến triển khả quan về số lượng người tham gia. Mặt khác, vấn đề bình đẳng giới theo nguyên tắc đóng - hưởng giữa khu vực công và khu vực tư, sàn lương hưu tối thiểu, Quỹ Bảo hiểm hưu trí đang có xu hướng giảm dần khả năng tích lũy và đứng trước nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, số người hưởng lương hưu ngày càng tăng cùng với tốc độ già hóa dân số... Những thách thức trên đòi hỏi phải có bước đột phá, cải cách chính sách BHXH để tiếp tục thúc đẩy hệ thống chính sách an sinh xã hội phát triển theo hướng bền vững hơn, bảo đảm an sinh thực sự cho hàng chục triệu người lao động trong hiện tại cũng như tương lai.
Về chính sách bảo hiểm y tế
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, nhưng đến nay vẫn còn khoảng gần 14% dân số chưa tham gia BHYT và để duy trì được đối tượng tham gia là vấn đề đáng quan tâm và việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân đang đặt ra những thách thức lớn.
Chất lượng KCB tại tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, đội ngũ y bác sỹ ở các tuyến xã, huyện còn thiếu nên việc nâng cao chất lượng KCB là một thách thức cho cơ quan y tế địa phương. Tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT vẫn diễn ra phổ biến, do nhiều nguyên nhân như: Phát trùng thẻ BHYT; Một số bệnh viện kê khống, lập bệnh án khống chi phí KCB; Bệnh nhân đã ra viện vẫn chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật để bệnh nhân được mang thuốc về nhà sử dụng… Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2016, có 45/63 tỉnh, thành phố bội chi Quỹ KCB với số tiền lên tới 5.500 tỷ đồng, trong đó có 9 tỉnh, thành phố có số tiền vượt quỹ lớn hơn 200 tỷ đồng.
Giải pháp hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT để nhân dân thấy rõ những lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT đối với việc ổn định đời sống nhân dân, ổn định kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các chủ trương, cải cách chính sách BHXH và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ DN và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và người lao động, nhanh chóng đưa người thất nghiệp trở lại làm việc, khắc phục tình trạng trục lợi BHTN.
Các cơ quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH, BHYT; đồng thời, các DN và người lao động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan thực hiện BHXH, BHYT nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT: Nâng cao năng lực của cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển BHXH, BHYT xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH, BHYT đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh việc phân cấp cho các cơ quan BHXH; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Tổ chức tốt cơ sở dữ liệu về BHXH, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH; Tăng cường công tác phối hợp và tích hợp thông tin dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT và thực thi chính sách hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT: Hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH, BHYT... Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT; Đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan, nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách; Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, BHTN, BHYT.
Đặc biệt, tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT đi đôi với tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về BHXH; Tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính và hiệu quả đầu tư các Quỹ BHXH, BHYT; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và bền vững; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao.
Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội. Cụ thể:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; Tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và tuân thủ các quy định của pháp luật; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách BHXH, BHYT tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Tóm lại, chính sách BHXH, BHYT là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, việc cải cách chính sách BHXH, BHYT là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong phát triển đối tượn tham gia BHXH, BHYT cần hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo số 15/BC-BHXH, ngày 3/4/2018 của BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách chế độ, quản lý và sử dụng quỹ năm 2017;
- Báo cáo số 5104/BC-BHXH ngày 05/12/2018 của BHXH Việt Nam về kết quả thực hiện Nghị quyết số 70/NQ - CP của Chính phủ;
- Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH;
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.