Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Thực hiện tốt chính sách chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm luôn được đảm bảo
Năm 2018, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.
Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu “BHXH, BHYT toàn dân” đã được xác định tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách BHXH, nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả đã được triển khai như: Phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT; đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm; thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám chữa bệnh BHYT để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT; kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý BHXH, BHYT.
Với nỗ lực trên, năm 2018, ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2018, toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH, đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; Số người tham gia BHYT khoảng 82,38 triệu người đạt 102,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5% (vượt 3,3% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020).
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp toàn Ngành đạt 332.006 tỷ đồng, bằng 100,4% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả lên tới gần 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho gần 3 triệu người nghỉ hưu, cũng như tạo cơ hội được chăm sóc y tế cho hàng triệu người mắc các bệnh nan y với mức chi phí điều trị y tế của mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đến hết năm 2018, toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH, đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHYT khoảng 82,38 triệu người đạt 102,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5% (vượt 3,3% so với chỉ tiêu được giao).
Thống kê cho thấy, trên 88% dân số tham gia BHYT; trên 14 triệu người lao động đang tham gia BHXH, các vấn đề của BHXH, BHYT đang ngày càng trở nên thiết thân với mỗi người, mỗi nhà. Bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT cho nhân dân, vì vậy còn góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhận thức được vấn đề này, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực đổi mới, hiện đại hóa, đẩy nhanh công cuộc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính công sang phục vụ.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính
Cùng với việc bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, ngành BHXH cũng tăng cường thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của Ngành. Trong đó, trọng tâm là rà soát các thủ tục hành chính đã ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản của Ngành để đánh giá toàn diện hệ thống văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ.
Những hoạt động này đã mang lại kết quả rõ rệt. Nếu năm 2011, số thủ tục hành chính của Ngành là 263 thủ tục, thì đến năm 2016 đã cắt giảm còn 32 thủ tục và đến nay chỉ còn 28 thủ tục. Nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH giảm từ 20 ngày xuống còn 5 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...
Việc cập nhật, công bố, công khai thủ tục hành chính được thực hiện đúng quy định, tất cả các thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai tại trụ sở BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện; thực hiện công bố công khai danh mục các thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin Điện tử của BHXH Việt Nam, Trang thông tin điện tử của BHXH các tỉnh. Đồng thời, cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện và dễ dàng tiếp cận.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam, thường xuyên rà soát toàn bộ cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của Ngành trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để kịp thời cập nhật, chuẩn hoá các thủ tục hành chính còn hiệu lực, thủ tục hành chính mới ban hành và xoá bỏ các thủ tục hành chính đã hết hiệu lực theo đúng quy định.
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 3 hình thức: Qua bộ phận “một cửa” tại trụ sở cơ quan BHXH; qua giao dịch điện tử (DN có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần); qua dịch vụ bưu chính công ích (DN không phải trả phí). Thông qua hình thức này đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH đã đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn... Hiện nay, có trên 90% đơn vị, DN đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện triển khai thí điểm việc ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (tại Hải Dương, Hà Nội), trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng, việc ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu tại các tỉnh thành khác trên toàn quốc.
Công khai, minh bạch trong quản lý điều hành
Trong năm qua, công tác ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực: Thu, cấp sổ BHXH; thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đến nay, đã có 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và hơn 34,78 triệu hồ sơ điện tử giao dịch phát sinh trên hệ thống với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn là 98,9%.
BHXH Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ với mục tiêu tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của Ngành, thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động, bao gồm các phần mềm: Lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của Ngành; Thu và quản lý sổ thẻ; Kế toán tập trung; Xét duyệt chính sách; Quản lý đầu tư quỹ; Quản lý đấu thầu thuốc tập trung... Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành hiện nay đã kết nối với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc (gần 100%). Hệ thống đã tiếp nhận hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán của hàng triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.
Với những kết quả đạt được nêu trên, theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia BHYT. Cơ sở dữ liệu này đã sẵn sàng tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Nỗ lực phục vụ, vì sự hài lòng của nhân dân
Với những mục tiêu đã được quán triệt thực hiện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW: Mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với bảo hiểm thất nghiệp phải đạt khoảng 28%, 35%; 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030. Diện bao phủ BHYT tuy đạt được kết quả khả quan, nhưng yêu cầu duy trì sự tham gia bền vững vẫn cần có những giải pháp mới. Bên cạnh đó là yêu cầu ngày một phức tạp hơn với công tác quản lý Quỹ khám chữa bệnh BHYT trong bối cảnh thực tiễn phát sinh nhiều áp lực khi thực hiện triệt để hơn lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Trước những yêu cầu trên, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT cần có những bước chuyển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Quỹ BHYT không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 329.000 tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BHTN với tổng số tiền chi trả lên tới gần 300.000 tỷ đồng.
Nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2019, ngày 17/12/2018, BHXH Việt Nam đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW giai đoạn 2018 - 2030 với chủ đề “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện hiệu quả cải cách chính sách BHXH”. Căn cứ nhiệm vụ được giao, toàn Ngành đã xác định các nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp. BHXH các tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả vai trò tham mưu tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương với phát triển BHXH, BHYT: Tham mưu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển BHXH, nhất là triển khai các nhóm giải pháp thực hiện được quán triệt tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH phù hợp với thực tế địa phương.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; giao chỉ tiêu và lộ trình tăng số người tham gia BHXH với từng địa bàn quận, huyện, thị xã.
Song song với đó, để củng cố mục tiêu "Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN", trong năm 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện nghi vấn; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ. Việc xử lý công việc hàng ngày, quá trình giải quyết thủ tục hành chính cần có sự linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN. Từng bước bồi đắp, kiến tạo và nâng cao niềm tin trong nhân dân, DN về hoạt động của ngành BHXH, về tính ưu việt, nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước, vì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020;
2. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách BHXH;
3. Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020;
4. Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.