Hội thảo Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức
Sáng 13/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức".
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bưu điện Việt Nam; các chuyên gia trong lĩnh vực lao động và bảo hiểm xã hội…
Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất khiêm tốn. Tính đến hết tháng 12.2017, cả nước mới chỉ có 224.243 người đang tham gia BHXH tự nguyện, chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng số khoảng 35 triệu lao động khu vực phi chính thức – đối tượng chính của BHXH tự nguyện.
Điều đáng nói là, trong số những người tham gia BHXH tự nguyện có đến 60% đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên đóng tiếp để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Điều này đồng nghĩa với hơn 99% lao động ở khu vực phi chính thức vẫn nằm ngoài lưới an sinh xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo, ở góc độ chính sách, pháp luật là: do Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc. Trong thời gian dài, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe, nhất là quy định về việc phải tham gia đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu. Chính sách BHXH tự nguyện cũng chưa thật sự hấp dẫn khi chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất; thiếu sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH.
Ở góc độ thực thi chính sách, theo các đại biểu, cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể là, chưa có hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp cho các địa phương. Đây không phải là vấn đề dễ dàng bởi vì tính chất thị trường lao động linh hoạt, sự di chuyển lao động giữa các địa phương rất khác nhau.
Cùng với đó là tính tuân thủ pháp luật BHXH chưa cao, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Dịch vụ và tiếp cận dịch vụ BHXH cho người dân chưa thuận lợi.
Để mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là đối với lao động khu vực phi chính thức, các đại biểu cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu: một là, phát triển thêm đối tượng mới; hai là, duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống.
Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về bản chất của chính sách BHXH và những lợi ích mà chính sách này đem lại. Sớm nghiên cứu và cải cách làm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.
Cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH trên tinh thần bảo đảm tối đa sự thuận lợi cho người dân. Một số ý kiến cũng đề nghị cần giảm mức đóng cho một số Quỹ bảo hiểm như Bảo hiểm thất nghiệp vì đến cuối năm 2017, quỹ này đang dư khoảng 58 nghìn tỷ đồng; công khai, minh bạch các khoản thu BHXH.