Giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” đầu tư công
Trong bối cảnh cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang sụt giảm, thị trường vốn tắc nghẽn thì đầu tư công đóng vai trò then chốt, giải ngân vốn đầu tư công là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm gánh nặng vốn vào hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Mặc dù, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, song tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để đẩy nhanh giải ngân và tăng cường vốn đầu tư công cần giải pháp tổng thể cả về thể chế, chính sách và tổ chức triển khai giúp khơi thông các “điểm nghẽn” và tăng cường hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới.
Kinh tế Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức cả từ bên trong và bên ngoài. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại, xuất khẩu đang sụt giảm do chịu tác động tiêu cực của các yếu tố lạm phát trên thế giới tăng cao, chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia tác động mạnh đến doanh nghiệp, thương mại đầu tư, thị trường xuất khẩu.
Để tăng trưởng kinh tế thì giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương và cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, tính đến ngày 31/7/2023 ước thanh toán chỉ đạt 37,85% (Báo cáo số 6225/BC-BKHĐT ngày 03/8/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong năm. Những vướng mắc làm chậm giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến thể chế, chính sách (còn nhiều bất cập, chậm sửa đổi) và những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công
Về thể chế, chính sách
Quá trình thực hiện và giải ngân một dự án đầu tư công trải qua giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và kết thúc dự án, mỗi giai đoạn sẽ chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau, quy định pháp luật của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan, nhiều khâu thực hiện, một khâu vướng mắc sẽ ảnh hưởng chung đến toàn bộ dự án, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực sau:
- Tài nguyên, môi trường: (i) Quy định về khoáng sản còn chưa rõ ràng: Quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 (Theo Báo cáo số 6225/BC-BKHĐT ngày 03/8/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là chưa rõ liệu đất san lấp có phải là khoáng sản hay không, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp có phải là khoáng sản hay không đã gây nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến khó khăn về nguồn cung vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm; (ii) Vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến: Việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép; Phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản còn phức tạp, mất nhiều thời gian để thực thiện; (iii) Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn cứng nhắc: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, thì việc thu hồi, chuyển đổi mục đích đất lúa, dù rất ít, cũng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là không cần thiết, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn.
- Xây dựng: (i) Về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, toàn bộ các dự án nhóm A, B của bộ, cơ quan trung ương: Dự án nhóm A do địa phương quản lý, dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên đều phải trình Bộ Xây dựng hoặc Bộ chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021). Trên thực tế các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện, quy định này đi ngược lại chủ trương phân cấp và quy định đã áp dụng trước đây. (ii) Về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình: Theo quy định, các cơ quan có ngành dọc như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính... khi có dự án thì thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng và khi hoàn thành công trình là của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Quy định này là chưa phù hợp với thực tế do các dự án này thường có quy mô đầu tư nhỏ, cấp huyện và được đầu tư rải rác, gây khó khăn, làm chậm và ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trong quá trình thi công và khi hoàn thành, ảnh hưởng đến công tác giải ngân của dự án.
- Đầu tư công: Về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương (NSĐP): Điểm c, khoản 7, Điều 67, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định: “HĐND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn NSĐP do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương”. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, việc điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị phải chờ đến kỳ họp HĐND, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp do không thể điều chuyển vốn từ những dự án ít hoặc không có khả năng giải ngân sang những dự án đang cần vốn, tiến độ thi công đạt hoặc vượt kế hoạch.
Về thẩm quyền trong việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án sử dụng vốn NSĐP: Khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định: "Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến ngày 31/01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn NSĐP cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau". Trên thực tế, HĐND tỉnh thường tổ chức 02 đến 03 kỳ họp/năm. Việc phải báo cáo HĐND tỉnh quyết định dẫn đến phát sinh thêm nhiều thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục triển khai thực hiện, dễ gây sai sót và thiếu chủ động cho các địa phương (cấp huyện, cấp xã).
Về bổ sung quy định thẩm quyền kéo dài nguồn thụ hợp pháp của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật: Khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công quy định “Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương (NSTW), HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn NSĐP cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau”. Với quy định này, Luật Đầu tư công chưa quy định về thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư, do đó gây lúng túng trong triển khai thực hiện. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Về đơn giá định mức các chi phí tư vấn: Theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, dự án đầu tư công được phân thành 02 loại: dự án đầu tư có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng. Tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn có liên quan đối với dự án không có cấu phần xây dựng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định các chi phí quản lý dự án và tư vấn có liên quan đối với dự án không có cấu phần xây dựng. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị bổ sung quy định xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn có liên quan đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
- Ngân sách nhà nước: Công tác lập kế hoạch đầu tư, nhất là nguồn bội chi NSĐP gặp trở ngại, nguồn bội chi NSĐP chủ yếu là các khoản vốn vay lại từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong khi thủ tục đầu tư các dự án này phức tạp, mất nhiều thời gian để gia hạn hiệp định, ký kết hiệp định, dẫn đến nhiều địa phương không thể giao được kế hoạch đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP và để xuất giảm bội chỉ NSĐP.
- Công sản: Về thẩm quyền thẩm định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp: Tại khoản 5, Điều 12, Nghị định số 52/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp quy định: “Trước khi phê duyệt hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp: Bộ, cơ quan trung ương lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tô chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý”. Việc xin ý kiến Bộ Tài chính về tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở làm việc trước khi phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng dự án làm tăng thủ tục hành chính vì các định mức, tiêu chuẩn đã quy định rõ trong Nghị định. Vì vậy, nên phân cấp cho các bộ, ngành chịu trách nhiệm trong việc thẩm định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc và tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.
Về triển khai thực hiện
Về phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 từ nguồn xử lý nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương chưa có hướng dẫn rõ ràng. Trước thời điểm năm 2017, toàn bộ nguồn thu từ xử lý nhà đất được thực hiện theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Theo quy định tại Điều 8, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi trừ chi phí liên quan để đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc. Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trung ương nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản. Từ khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực năm 2017, toàn bộ nguồn thu từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp vào NSNN. Để quyết toán các khoản chi từ nguồn bán tài sản trên đất, quyền sử dụng đất, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào kế hoạch hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương để trình Chính phủ, Quốc hội quyết định. Năm 2023, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp nguồn đầu tư từ xử lý nhà đất vào kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của 06 bộ, cơ quan trung ương để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội quyết định nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể.
Vướng mắc trong việc điều hoà nguồn vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, nguồn vốn bố trí năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương đương với năm 2022 (khoảng 222 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khá lớn (khoảng 137 nghìn tỷ đồng) trong khi hầu hết các dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, các thủ tục đầu thầu... nên khả năng hấp thụ toàn bộ nguồn này là thấp. Chủ trương điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn về cách thức điều hoà nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lúng túng trong triển khai.
Vướng mắc trong từng khâu của quy trình dự án:
(i) Giai đoạn chuẩn bị đầu tư (chuẩn bị dự án) gồm các công việc như khảo sát xây dựng, lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, lập, thẩm định phê duyệt quyết định đầu tư dự án và các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án. Ở giai đoạn này, vướng mắc chủ yếu liên quan đến lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các địa phương còn chậm, ảnh hướng không chỉ đến các dự án của địa phương mà còn đến các dự án của trung ương trên địa bàn; quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa đối với dự án có yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo chủ động cho các địa phương.
(ii) Giai đoạn thực hiện dự án: Chuẩn bị mặt bằng (dự án xây dựng), lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng nhà thầu thi công hoặc cung cấp trang thiết bị, giám sát... Trong giai đoạn này, nhiều dự án đã vướng ngay khâu đầu tiên, đó là công tác giải phóng mặt bằng. Khi dự án được giao mặt bằng đến khâu thi công khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu, thủ tục cấp phép khai thác mỏ, bãi đỗ thải, việc cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng tại một số địa phương còn chậm, chưa phù hợp diễn biến giá thị trường... năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế... Vướng mắc giải phóng mặt bằng chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế như giá đền bù cho người dân; phương án tái định cư cho người có đất bị thu hồi chậm, nhiều trường hợp người dân bàn giao mặt bằng cho dự án nhưng chưa có đất tái định cư xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, nguồn gốc và ranh giới đất đai của các hộ dân, các tổ chức không rõ ràng: bản đồ địa chính nhiều huyện, xã trong tỉnh chưa được đo đạc, hoặc mới được đo đạc; việc cập nhật, theo dõi biến động không được liên tục dẫn đến việc kiểm tra, xác minh ranh giới, nguồn gốc đất rất khó khăn.
(iii) Giai đoạn kết thúc dự án gồm các công việc như quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành, bàn giao công trình... ở giai đoạn này vướng mắc liên quan đến việc chấp hành kỷ luật về thời gian lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán của một số chủ đầu tư, tồn tại nhiều dự án do quyết toán chậm, hồ sơ để quá lâu nên một số nhà thầu đã giải thể, không thu hồi được công nợ, không tất toán được...
Nguyên nhân của những vướng mắc
Những vướng mắc trên bắt nguồn từ các nguyên nhân như:
Việc hình thành nhiều quy trình, thủ tục mới dẫn tới các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật, nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn lúng túng, mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục do hồ sơ dự án phải thông qua nhiều cấp, nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương, thủ tục hành chính phức tạp, phân cấp trách nhiệm chưa triệt để.
Một số bất cập trong cơ chế, chính sách đã được phát hiện và chỉ ra nhưng còn chậm được sửa đồi, bổ sung, chưa rõ thẩm quyền, dẫn tới đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt (thể hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giữa các bộ, ngành, địa phương).
Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán.
Cơ chế điều hòa vốn của các Chương trình trọng điểm, vốn đầu tư công trung hạn chưa có hướng dẫn kịp thời và linh hoạt dẫn tới còn lúng túng trong triển khai.
Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Với thực tế trên, để đẩy nhanh giải ngân và tăng cường hiệu quả vốn đầu tư công, trong thời gian tới cần có giải pháp tổng thể gồm:
Về thể chế, chính sách:
Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản...
- Khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định của Chính phủ, Luật của Quốc hội với các vướng mắc đã được chỉ ra như (vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong Luật đất đai; vướng mắc về thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong Luật Đấu thầu; vướng mắc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trong Luật đầu tư công; vướng mắc về xác định tiêu chí tài nguyên trong Luật Khoáng sản, một số vướng mắc liên quan Luật Xây dựng,..) nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công.
- Tiếp tục giao các bộ, cơ quan Trung ương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, rà soát các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xây dựng, đất đai, tài nguyên... để kịp thời xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
- Giao các bộ, ngành khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, định mức liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho các dự án không có cấu phần xây dựng theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 82, Luật Đầu tư công và khoản 4, Điều 27, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020.
Về triển khai thực hiện:
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư tập trung triển khai ngay việc thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp, các công trình dở dang và các dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2023. Tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và các bên có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng; đồng thời cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai.
- Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đai, tài nguyên, cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc thi công các dự án.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công. Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
- Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn. Thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của bộ ngành, địa phương theo quy định, để bảo đảm thực hiện và giải ngân hết số vốn đã được giao. Thực hiện điều hòa vốn giữa Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, trong đó cho phép: (i) Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được quyết định điều hòa nguồn vốn thuộc Chương trình trong năm 2023 để bố trí cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, các dự án trọng điểm, liên kết vùng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có khả năng hấp thụ vốn trong năm 2023 trong phạm vi tổng mức vốn đã được giao kế hoạch năm 2023; (ii) Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ chủ động điều hòa vốn của Chương trình giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn NSTW đã được Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này; (iii) Bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trong các năm 2024, 2025.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục về đầu tư công.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Đất đai số 45/2013/QH13; Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12
- Chính phủ, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022; Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo số 6225/BC-BKHĐT ngày 03/8/2023; Báo cáo số 5148/BC-BKHĐT ngày 03/7/2023; Báo cáo số 3278/BC-BKHĐT ngày 28/4/2023.