Hà Tĩnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công


Thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh Hà Tĩnh đạt hơn 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ðể đạt được kết quả này, bên cạnh việc chỉ đạo sâu sát, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phải kể đến quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, năng lực quản lý hiệu quả của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn.

Các đơn vị huy động nhân lực, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Các đơn vị huy động nhân lực, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 15/11, tiến độ giải ngân kinh phí giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc bắc-nam ở Hà Tĩnh đạt hơn 2.173 tỷ đồng, bằng 76,86% kế hoạch vốn cả năm. Lý giải về kết quả khả quan này, Giám đốc dự án thành phần đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hoàng Chiến Thắng cho biết, ngay từ khi bắt tay triển khai dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện rốt ráo nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhờ đó, đến nay, địa phương đã hoàn tất việc kiểm đếm; áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,49% và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công đạt 98,21%.

Cùng với việc tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương, hoàn tất thủ tục khai thác đối với 11 mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Ðây là điều kiện quan trọng để các đơn vị hoàn thành kế hoạch thi công, bảo đảm khối lượng nghiệm thu thanh toán theo hợp đồng, thực hiện đúng tiến độ giải ngân vốn đã được bố trí.

“Ngoài ra, để bảo đảm tiến độ dự án, hằng tuần, ban quản lý dự án đều tiến hành giao ban với các nhà thầu thi công, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, cũng như đôn đốc các đơn vị linh hoạt, thay đổi biện pháp thi công, hạn chế những tác động bất lợi do thời tiết gây ra”, ông Hoàng Chiến Thắng cho biết thêm.

Theo chia sẻ của Phó Trưởng ban Quản lý dự án Nguyễn Kiên Cường, để rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, tập trung tối đa nguồn lực cho giải phóng mặt bằng, triển khai các hạng mục theo đường găng tiến độ, đơn vị đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết dứt điểm những vấn đề đặt ra và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.

“Trong quá trình quản lý, điều hành các dự án cụ thể, chúng tôi luôn xác định rõ việc giải ngân nhanh nguồn vốn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, do đó ngay từ đầu năm, Ban Quản lý dự án đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung ưu tiên; gắn tiến độ thực hiện, hiệu quả giải ngân là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”, ông Cường cho biết thêm.

Tăng tốc dịp cuối năm

Từ kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công khá ấn tượng ở Hà Tĩnh thời gian qua, nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý trên địa bàn đã nêu ý kiến, trong chu kỳ phân cấp nguồn vốn cho giai đoạn trung hạn tới, tỉnh Hà Tĩnh cần mạnh dạn hỗ trợ nguồn vốn đối ứng cho các địa phương và đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở một số nhiệm vụ.

Cùng với đó, tỉnh cũng thành lập 3 tổ công tác do các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng, thường xuyên kiểm tra, đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân và quản lý chất lượng công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở... bảo đảm tối đa không quá 5 ngày/khâu thẩm định; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng,... đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ giải ngân ở một số dự án, chủ đầu tư trên địa bàn vẫn còn thấp, những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân cốt tử khiến các chủ đầu tư lúng túng trong triển khai.

Tại huyện Lộc Hà, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc nhóm cuối ở Hà Tĩnh, hầu hết “nút thắt” của các dự án đều xuất phát từ giải phóng mặt bằng. Ðơn cử, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Thạch Kênh đến Hồng Lộc (tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng), bị chậm tiến độ do mức giá đất áp dụng cho giải phóng mặt bằng thời điểm năm nay tăng hơn 10 lần so với thời điểm quyết định đầu tư, nên phải điều chỉnh nguồn vốn dự án và thời gian thi công.

Một dự án khác là công trình đầu tư hạ tầng khu du lịch biển Lộc Hà (tổng mức 62 tỷ đồng) phải kéo dài thời gian do người dân không phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng, mức giá đền bù của dự án thấp hơn mức đền bù các dự án được thực hiện từ nguồn vốn của các doanh nghiệp theo cơ chế thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tương tự, tại huyện Nghi Xuân, sau một thời gian dài triển khai dự án hạ tầng khu du lịch biển Xuân Thành có tổng mức đầu tư 138 tỷ đồng cũng không thể giải ngân vốn theo kế hoạch do chênh lệch giá bồi thường đất hiện nay với thời điểm lập dự án quá cao.

Ngoài ra, không ít dự án bị chậm tiến độ do năng lực quản lý, điều hành của chủ đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điển hình như dự án xây dựng trung tâm văn hóa-truyền thông huyện Lộc Hà (gần 70 tỷ đồng), việc xác định vị trí thực hiện dự án không chuẩn xác, buộc phải thay đổi bản vẽ thiết kế, thi công..

 

Theo nhandan.vn